Sau 12 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kon Plông đang phát triển từng ngày, diện mạo nông thôn và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã có những thay đổi đáng kể.
Sức bật từ nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu
Ðược thiên nhiên ưu đãi, thời tiết mát lạnh quanh năm, Kon Plông là địa phương có lợi thế để phát triển rau, quả xứ lạnh và dược liệu. Chính vì thế, huyện tạo mọi điều kiện để kêu gọi, thu hút các dự án lớn về nông nghiệp vào đầu tư; đồng thời, khuyến khích người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Kon Plông đã dần định hình mục đích sản xuất rõ ràng, ứng dụng khoa học-công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để từ đó sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, liên kết phát triển vùng nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm.
Hợp tác xã rau, hoa và du lịch Thanh Niên (thị trấn Măng Ðen được thành lập từ năm 2018, tổng diện tích 1,8ha, chủ yếu triển khai sản xuất theo mô hình hữu cơ, trồng rau trong nhà màng, với các loại rau như: cải bó xôi, cải ngọt, cần tây, xà-lách… Ngay từ những ngày đầu thành lập, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm nguồn rau sạch. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã khi đưa ra thị trường có giá bán vượt trội và được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Chị Trần Thanh Huyền, Quản lý Hợp tác xã rau, hoa và du lịch Thanh Niên cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị là phần lớn công nhân tham gia vào sản xuất là những thanh niên người dân tộc thiểu số, tuổi đời còn trẻ và ít kinh nghiệm về trồng trọt nông nghiệp. Do đó, đơn vị tập trung đào tạo về khoa học-kỹ thuật để công nhân nắm vững kiến thức, mang lại hiệu quả khi tham gia sản xuất.
Trước nhu cầu của thị trường đối với các loại rau xứ lạnh được trồng theo hướng hữu cơ ngày càng tăng, các đơn vị tham gia làm nông nghiệp tại huyện Kon Plông đã tập trung liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hiện thực hóa "mục tiêu kép"
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, tổng diện tích vùng trồng dược liệu trên địa bàn là gần 275ha, hơn 1.020ha cà-phê dòng Arabica và có 778ha được khoanh vùng để bảo tồn, khai thác, phát triển cây dược liệu kim cương, ngũ vị tử, sơn tra, chè dây, chuối rừng, sim rừng. Nhìn chung, các loại cây dược liệu và cà-phê xứ lạnh triển khai trên địa bàn phát triển tốt, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Nhờ hướng đi đúng đắn và sự đồng lòng của người dân, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn luôn được mở rộng hằng năm, năng suất, chất lượng ngày càng được cải thiện.
Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Kon Plông chú trọng đầu tư vào phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm mới được hình thành nhờ doanh nghiệp chủ động xây dựng logo, nhãn mác, bao bì và phát triển thương hiệu. Một số sản phẩm OCOP nổi bật đạt từ 3-4 sao của huyện Kon Plông như rượu vang sim rừng Măng Ðen, nước ép sim rừng, cao đương quy, cao hồng đảng sâm, tinh dầu tiêu rừng.
Còn tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Kon Plông đã hỗ trợ, vận động khuyến khích người dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như các loại cây dược liệu sâm dây, hồng đảng sâm, đương quy và cà-phê xứ lạnh dòng Arabica.
Chị Y Mua (thôn Ðăk Ne, xã Măng Cành), cho biết, nhà chị có bốn sào rẫy, trước đây trồng mì (sắn), thu nhập một mùa mì được chưa đến bốn triệu đồng. Gia đình bốn nhân khẩu sống chật vật. Từ ngày được huyện cho giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây đương quy, thu nhập tăng gấp hai lần, ổn định, đấy là chưa tính đến cà-phê chị trồng tại rẫy chưa đến mùa thu hoạch. Vườn nhà chị hiện trồng được 5.000 cây dược liệu các loại.
Ðồng chí Phạm Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Ðen (huyện Kon Plông), cho biết: Chúng tôi đã và đang tiếp tục tham mưu cho huyện thu hút các doanh nghiệp để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Cụ thể, đến hết năm 2025, huyện Kon Plông thu hút, mở rộng khoảng 500ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, phổ biến kỹ thuật giúp người dân nắm bắt, cải thiện điều kiện lao động, cũng như cách chăm sóc quản lý về cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước nhu cầu ngày càng cao, huyện tập trung đào tạo thêm nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi đầu tư vào các sản phẩm trên địa bàn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, Phạm Thanh Bình cho biết, để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư để hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ để từng bước hoàn thiện hai cơ sở vườn ươm giống; huy động, bố trí nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống nước tưới, điện tại các khu, vùng phát triển dược liệu và nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện tập trung vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, hoa, cà-phê xứ lạnh và cây dược liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường. Cùng đó, huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và xây dựng thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm so với nông nghiệp truyền thống.
Huyện phấn đấu nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng hơn 30%; trong đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đạt từ 30% đến 35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chung; mỗi năm có thêm từ hai đến ba sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Nhờ biết tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cây dược liệu mà huyện Kon Plông đã dần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được thay đổi từ hình thức đến quy mô, giúp tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Kon Plông giảm còn 14,98% năm 2022 và có ba trong số tám xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Ðây là những tiền đề quan trọng để huyện phát huy những lợi thế về phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân ■