Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc

NDO -

Ngày 3/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 2 có Tết Nguyên đán, tình hình quốc tế và trong nước có thuận lợi nhưng có nhiều khó khăn, áp lực lạm phát các nước tăng cao, giá nguyên vật liệu, cước vận tải tăng cao, giá xăng dầu tăng nhanh; tình hình chính trị, quân sự ở Ukraine... cũng tác động tình hình trong nước; cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các ca nhiễm do biến chủng Omicron lan nhanh, đặc biệt là sau Tết.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn kiểm soát tình hình; số ca mắc tăng nhanh, nhiều ở phía bắc, nhất là Hà Nội, nhưng vẫn kiểm soát các ca chuyển nặng, ca tử vong. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, toàn Đảng, toàn quân, cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu bằng tất cả khả năng.

Do đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, khởi sắc, tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực cả về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khôi phục thị trường lao động... Chúng ta giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Trong dịp Tết, chúng ta cũng rà soát các đối tượng chính sách, khó khăn, hỗ trợ các yêu cầu lương thực thực phẩm, bảo đảm mọi người, mọi nhà có Tết. 

Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc -0

Quang cảnh phiên họp.

Chúng ta bắt đầu bước sang tháng thứ 3 của quý I/2022; 2 tháng đầu năm có khởi sắc và phục hồi, nhưng tháng 3 này lại xuất hiện khó khăn mới, do đó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ, đánh giá chính xác tình hình, dự báo tình hình tác động kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I để đề ra mục tiêu sát, có những nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình, tạo đà quý I tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế nhanh và bền vững, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội cả năm 2022 đạt được mục tiêu như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và Quốc hội giao nhiệm vụ. Thủ tướng mong dành thời gian đánh giá tình hình, dự báo tình hình chính xác để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả. 

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (tháng 2/2021 giảm 8,3%). Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%). Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao.

Trong tháng 2, các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc so cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch (tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm nhập siêu 937 triệu USD.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, kinh tế-xã hội 2 tháng đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh và thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng.

Các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, thể hiện qua kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm (thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và dự toán, xuất nhập khẩu tăng, lương thực thực phẩm được bảo đảm, bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, thị trường lao động phục hồi nhanh). Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; quốc phòng an ninh được giữ vững, các hoạt động đối ngoại đúng hướng, hỗ trợ tích cực cho đối nội. 3 đột phá chiến lược được triển khai tích cực, hiệu quả, thực chất. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.

Tuy nhiên, tình hình còn những diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát tăng cao khi chi phí đầu vào tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn. Việc mở cửa thị trường khó khăn do dịch bệnh. Việc mở cửa trường học cần phải điều chỉnh phù hợp tình hình. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai 2 tháng đầu năm ước tính gần 650 tỷ đồng, gấp 23,7 lần cùng kỳ. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới tác động tới Việt Nam.

Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ hai, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng, chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ thứ tư là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng, chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…; cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng, chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động. Với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên. Trong tháng 3, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan, nhất là cơ cấu tổ chức bên trong.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu, công tác thông tin truyền thông cần phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan tình hình, chú trọng thông tin hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an dân, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

Tập trung chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 31. Tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho những người khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn đọng tại biên giới cửa khẩu phải vừa có giải pháp trước mắt, vừa có giải pháp lâu dài. Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Cũng tại phiên họp này thảo luận cho ý kiến vào nội dung Báo cáo tiền khả thi Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Đây là những dự án quan trọng góp phần hoàn thiện, kết nối hệ thống hạ tầng vùng Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.