Kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có những chuyển biến rất quan trọng

NDO - Ngày 29/9, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức hội nghị lần thứ 17. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2022; dự thảo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 của hội nghị Thành ủy lần thứ 8 về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Hội nghị thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố trong 9 tháng qua đã có những chuyển biến rất quan trọng. Kinh tế thành phố phục hồi nhanh, khá toàn diện; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.

Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố ước tăng 9,71% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt gần 9% cả năm 2022. Nhiều lĩnh vực sản xuất đã vươn lên mạnh mẽ, tự chủ về công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng ngày càng cao, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu dự báo đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Qua 1 năm thực hiện kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 của hội nghị Thành ủy lần thứ 8 đã đi vào cuộc sống với tinh thần hết sức mạnh mẽ để bảo đảm phương châm thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả gắn với việc phục hồi, kiến tạo phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. Những kết quả đạt được đến nay là toàn diện, được Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đánh giá cao và được nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ.

Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố ước tăng 9,71% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt gần 9% cả năm 2022. Nhiều lĩnh vực sản xuất đã vươn lên mạnh mẽ, tự chủ về công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng ngày càng cao, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu dự báo đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Về nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị toàn hệ thống chính trị thành phố quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi thăm, làm việc của đồng chí Tổng Bí thư với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/9 vừa qua.

Hội nghị cũng cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất, trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng là: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án thuộc 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển thành phố; hoàn thành với chất lượng cao nhất việc tổng kết Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất Trung ương cho thành phố triển khai thực hiện thí điểm những vấn đề mới, cần thiết để phát triển thành phố.

Các đơn vị tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội; nhanh chóng bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; quan tâm chỉnh trang đô thị gắn với phục dựng, hoàn thiện các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, đi đôi với đầu tư xây dựng đời sống văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân...

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu thành phố phải quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch, kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Các đơn vị phải tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống, quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm…