Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược”

NDO - Chiều 5/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn, đánh giá ở góc nhìn đa diện, đa chiều về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật, những kỳ vọng và các vấn đề cuộc sống đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược”

Khách mời tham dự Tọa đàm: Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore; ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội điều phối Tọa đàm.

Vượt những “cơn gió ngược”

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.

Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” ảnh 1

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Đầu tiên, Thứ trưởng đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” ảnh 2

TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore.

TS Vũ Minh Khương chia sẻ: “Từ góc độ một nhà nghiên cứu từ bên ngoài, tôi có những nhận định có tính ấn tượng. Quan sát Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không là một vấn đề rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như chính khách quốc tế quan sát, và thấy rõ Việt Nam mạnh lên sau đại dịch… Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế chúng ta mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỷ giá, lãi suất. Đấy là cái rất đáng mừng cho nền kinh tế”.

TS Vũ Minh Khương nhận định, hiện giờ cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tại sao? Không phải chỉ vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm. Rõ ràng mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) hết rồi, bây giờ phải làm sao nâng cấp, cất cánh lên, nhưng không thể ngày một ngày hai được. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Điều thứ ba là cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh. Quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới. Mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. Thế giới họ làm như thế nào, Trung Quốc làm như thế nào, Hàn Quốc làm như thế nào, Singgapo làm như thế nào? Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, thì tại sao chúng ta không làm được? Bây giờ chỉ cụ thể hóa để quyết.

Trong những bối cảnh tàu gặp bão trên biển, nếu chúng ta chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm. Một là thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình với chúng ta hay không. Về điểm này, ông thấy các địa phương và các doanh nghiệp có đồng lòng, đồng hành rất tốt. Thứ hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không, cái này tôi thấy cũng rất tốt. Thứ ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình. Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế. Cho nên rõ ràng chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” ảnh 3

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam bày tỏ, trên thực tế chúng ta nhìn thấy điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đang ở vị trí nào và ứng phó ra sao? Dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Chúng ta hãy chú ý đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả.

Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được. Như Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, NHNN Việt Nam thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Theo ấn phẩm ADOU 2023 gần đây của ADB, dự báo tăng trưởng khu vực được điều chỉnh giảm xuống 4,7% cho năm 2023 và duy trì ở mức 4,8% cho năm 2024. Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực. Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Timor-Leste đều dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Chỉ một vài nước có triển vọng sáng sủa hơn, bao gồm Brunei Darussalam, Indonesia và Thái Lan.

ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.

Ngoài ra, nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.

Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Theo ông, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế như nhân.

Hướng đến những ngành kinh tế mới nổi

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, cũng nêu rất rõ những khó khăn, thách thức và những dự báo trong bối cảnh tình hình 3 tháng cuối năm và định hướng trong năm 2024. Dự báo cho thấy khó khăn vẫn tiếp diễn, chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt. Điều này rất khó cho công tác làm dự báo, cũng như đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu mang tính trung hạn cho cả năm 2024. Thứ trưởng nhấn mạnh vào một số khó khăn mà chúng ta cần phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy ứng xử của chúng ta trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt. Chúng ta đã có cơ chế về sự linh hoạt, chủ động nên vấn đề đặt ra là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có ứng xử phù hợp.

Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến nước ta, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn, đặc biệt liên quan đến phần TS. Khương đã nói là cầu thế giới vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu của chúng ta rất nhiều, do vậy chúng ta đang phụ thuộc vào diễn biến của thế giới. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn.

Thứ ba, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này. Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này, và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu Nhà nước có thể hỗ trợ gì trong việc chuyển đổi cơ cấu để ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của toàn cầu.

Tiếp theo, đó là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới như TS Khương đã đề cập. Có lẽ mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa. Do đó chúng ta phải nghĩ đến mô hình mới, tiếp cận những cái mới. Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Và chỉ có những cái mới mới mang lại những động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu, phát triển, sản xuất rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.

Tựu chung lại, vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu, và là điều kiện tiên quyết để chúng ta tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Trên đây là một số khó khăn, thách thức chúng ta vẫn phải đối mặt, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trong lúc thuận lợi vẫn có khó khăn. Và kể cả trong lúc rất khó khăn chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội.

Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” ảnh 4

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đến những khó khăn trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt và nhận diện để vượt qua, nhằm đạt được các mục tiêu, mong muốn tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đã đặt ra.

Đầu tiên là khó khăn truyền thống – khó khăn đã và đang diễn ra trong bất kể hoàn cảnh nào chúng ta đều phải nhận diện và vượt qua. Ví dụ như nâng cao hiệu quả, tốc độ của việc giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta quyết tâm thay đổi, nâng cao mô hình, chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động. Ông tạm gọi đây là khó khăn truyền thống bởi đó là khó khăn thường xuyên chúng ta phải đối diện. Ngoài ra, cá nhân ông nhận diện có 3 khó khăn nữa chúng ta phải đối diện:

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, chúng ta cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.

Thứ hai, thách thức chúng ta phải đối mặt hiện nay khác với thời gian trước, đó là chúng ta phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho chúng ta. Thí dụ như chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng trở nên gay gắt. Vì vậy cũng dẫn đến những khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên khó khăn hiện nay khác với khó khăn của giai đoạn trước.

Cá nhân tôi cho rằng rất khó tìm ra giải pháp để giải quyết. Chẳng hạn như trước đây doanh nghiệp hay phàn nàn về cải cách thể chế, chúng ta có thể chủ động giải quyết được. Nhưng nếu như nhìn vào thống kê của Tổng cục Thống kê về con người, yếu tố, ta gọi là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo thì chúng ta thấy rất khó, ví dụ như nhu cầu thị trường trong nước thấp, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế cao, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu với nước khác... Rõ ràng đây là bài toán rất khó, bởi có những khó khăn không dễ nhận diện, không dễ giải quyết.

Thách thức thứ ba là cải cách thể chế. Chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.

Thí dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, chúng ta đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như chúng ta mong muốn…