Kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề bởi xung đột

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cảnh báo về hậu quả kinh tế sâu rộng của cuộc xung đột ở Ukraine.

IMF, WB, EBRD và EIB cảnh báo về hậu quả kinh tế sâu rộng của cuộc xung đột ở Ukraine.
IMF, WB, EBRD và EIB cảnh báo về hậu quả kinh tế sâu rộng của cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuyên bố chung của các tổ chức tài chính này nêu rõ, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn, gián đoạn thương mại và lạm phát cao hơn, nhất là với các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương.

Thảo luận những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với thế giới, sự phối hợp phản ứng chung trước tình hình này, các tổ chức tài chính nhấn mạnh, xung đột làm gia tăng nghèo đói, việc tăng giá đối với các mặt hàng cũng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt gần mức kỷ lục, trong khi giá các mặt hàng khác như lúa mì, than đá, khí đốt tự nhiên… cũng đạt mức cao lịch sử.

Theo các tổ chức tài chính nêu trên, những diễn biến tại Ukraine cũng cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại địch. Các quốc gia trên thế giới, nhất là những nước láng giềng của Ukraine, sẽ phải gánh chịu gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối, cũng như chứng kiến dòng người sơ tán gia tăng. Các tổ chức cũng thông báo hỗ trợ khẩn cấp hàng tỷ USD cho Ukraine. Cụ thể, EBRD cam kết 2 tỷ euro, EIB chi 668 triệu euro, IMF đã cung cấp 1,4 tỷ USD, trong khi WB huy động hơn 925 triệu USD.

Dự báo về hậu quả của các biện pháp hạn chế xuất khẩu và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực sản xuất lương thực của Nga, Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGDEV) cho rằng, giá các mặt hàng lương thực và năng lượng tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể đẩy hơn 40 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, giá các loại lương thực đã tăng cao hơn mức ghi nhận trong thời kỳ tăng giá đột biến năm 2007 và 2010.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các khách hàng nhập khẩu trực tiếp lúa mì từ Nga và Ukraine, vốn chiếm tới 25% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn thế giới, hiện là đáng lo ngại nhất. Các gia đình ở các nước có thu nhập thấp thường phải dành tới 50% chi tiêu cho thực phẩm và giá cả cao hơn buộc họ phải lựa chọn giữa thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

CGDEV kêu gọi các cơ quan phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế hành động khẩn cấp khi nhu cầu hỗ trợ nhân đạo gia tăng trên toàn thế giới. Người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng hối thúc các nước giàu hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.