Kinh tế nông nghiệp Cà Mau cần gắn với tăng trưởng xanh

NDO -

Ngành nông nghiệp và doanh nghiệp cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn vì ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Cà Mau cần xây dựng một quy hoạch không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch.

Bộ trưởng NN-PTNT gợi mở xu hướng “Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp” tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau.
Bộ trưởng NN-PTNT gợi mở xu hướng “Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp” tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau.

Sáng 24/9 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về các nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trò chuyện với những cán bộ chủ chốt ngành nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh Cà Mau, đồng chí Lê Minh Hoan cho biết, qua đi thực tế các mô hình sản xuất tôm - lúa, tôm - rừng ở Cà Mau ngày 23/9 cho thấy, lợi thế lớn nhất của tỉnh là có vùng đất “sạch” để tạo ra những sản phẩm an toàn, làm nên sự khác biệt lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Bộ trưởng cho rằng, sản xuất nông nghiệp không thể tách rời xu thế thị trường, trong khi xu hướng thế giới đang hướng đến các sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Vì thế, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tìm cách khắc phục hệ trầm tích hàng chục năm bởi phân, thuốc… để đồng đất canh tác trở nên xanh, sạch. 

“Nhiều tỉnh mất một thời gian khá dài trong khi Cà Mau đang có sẵn điều kiện lý tưởng về đồng đất sạch thì hà cớ gì không làm” - Bộ trưởng đặt vấn đề và mong muốn một ngày không xa khi đến Cà Mau sẽ thấy rõ khẩu hiệu hành động “Chung tay vì một Cà Mau xanh”. 

Kinh tế nông nghiệp Cà Mau cần gắn với tăng trưởng xanh -0
Bộ trưởng NN-PTNT (bên trái) cảm quan sản phẩm tôm sạch được nuôi dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau. 

Ở góc độ nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tăng trưởng xanh thì sản xuất phải cân bằng hiệu ứng cacbon, không tạo ra hiệu ứng nhà kính. Muốn vậy phải thu hẹp dần vùng sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, thuốc thực vật để mở rộng vùng sản xuất sạch, canh tác hữu cơ. Là vùng chịu tác động nặng nề từ hiệu ứng nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, một khi tạo ra giá trị xanh bền vững, cây lúa, hạt gạo, con tôm và nhiều nông sản khác ở Cà Mau sẽ khác biệt hoàn toàn, dù không đứng nhất trong khu vực ĐBSCL nhưng sẽ tạo được thương hiệu to lớn trên thương trường quốc tế. 

Để tạo được tăng trưởng xanh trong nông nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, đồng chí Bộ trưởng NN-PTNT cho biết, Cà Mau cần xây dựng một quy hoạch không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch. Trong đó đặc biệt lưu ý đến kinh tế nông thôn là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa, nhỏ thậm chí siêu nhỏ… để hình thành “hệ sinh thái kinh tế nông thôn”. Bên cạnh đó, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

“Qua đi thực tế tôi nhận thấy, dù giá trị từ du lịch nông nghiệp không lớn nhưng khách hàng sẽ biết nông dân Cà Mau nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn. Từ cảm nhận thực tế, du khách sẽ thành tuyên truyền viên giúp chúng ta mở rộng kênh bán hàng về nông sản, hạn chế bỏ tiền xúc tiến thương mại. Đây là giá trị lớn hơn mà ta thu về” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Kinh tế nông nghiệp Cà Mau cần gắn với tăng trưởng xanh -0
Bộ trưởng NN-PTNT thực tế công trình ứng phó sạt lở bờ biển ở Khai Long, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. 

Cà Mau hiện có hơn 300.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ với sản lượng tôm năm 2020 đạt 200.200 tấn. So với bình quân chung, Cà Mau chiếm 45%, 40% về diện tích và chiếm 29%, 22% sản lượng tôm của vùng ĐBSCL và cả nước. 

Về xuất khẩu tôm, Cà Mau chiếm khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước khi mỗi năm tỉnh này xuất khoảng 1 tỷ USD. Tôm Cà Mau hiện đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland... Hầu hết nhà máy chế biến xuất khẩu tôm ở Cà Mau đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,... 

Cũng nhờ đó, tôm Cà Mau xuất khẩu và có mặt ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. 

Theo đánh giá của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, ngành tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh bởi chiếm 80% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Các mô hình sản xuất hiệu quả gồm tôm - lúa, tôm - rừng, tôm thâm canh… được nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn hoặc tuần hoàn nước khép kín, góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế nông dân. 

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Cà Mau hiện nay trong nông nghiệp là tổ chức sản xuất, gắn kết chuỗi liên kết. Song hành với đó là ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất lợi trong khi kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế biển gắn liền với tổ chức lại sản xuất “thích ứng an toàn lâu dài với dịch bệnh”. Trong đó, tiếp tục xác định tôm là mặt hàng chủ lực, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại sản xuất trong nông nghiệp gắn với quy hoạch tích hợp chung của tỉnh.

Để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, Chủ tịch tỉnh Cà Mau mong muốn Chính phủ và Bộ ngành chức năng, trong đó có Bộ NN-PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ Cà Mau hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các công trình chống sói lở bờ sông, bờ biển để giảm tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu. 

Kinh tế nông nghiệp Cà Mau cần gắn với tăng trưởng xanh -0
Thu hoạch “tôm sạch” được nuôi dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau (Ảnh tư liệu 2019). 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ngoài nội dung “Tăng trưởng xanh dẫn dắt Cà Mau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Cà Mau: Khi thành lập khu công nghiệp nên theo định hướng mới “cụm liên kết ngành trong nông nghiệp” để hỗ trợ nhau; hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết nhưng cần lưu ý cách lo như thế nào cho phù hợp; trong nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp, cần liên kết, hợp tác gắn với thị trường; phát triển nông nghiệp cần chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang “phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng”...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp và doanh nghiệp cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn vì ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Chúng ta không thể đóng mãi kinh tế mà phải chung tay tìm cách để hoạt động sao cho hiệu quả, thích nghi với tình hình mới. 

Bộ trưởng cũng cho biết, cả ĐBSCL là một thực thể, một không gian kinh tế không thể tách rời, không tỉnh nào trong khu vực “đứng một mình” có thể phát triển bền vững. Vì thế, với vai trò được giao nhiệm vụ điều phối vùng, tới đây Bộ NN-PTNT sẽ có một hội nghị chuyên đề lớn cả vùng ĐBSCL về sản xuất nông nghiệp để gắn kết các tỉnh.