Quận ủy quận 7 cho biết, trong năm 2016, toàn quận xảy ra hai vụ NVTT, với ba nghìn CNLĐ tham gia. Quá trình diễn ra tranh chấp ban đầu do một nhóm CNLĐ đứng ra kêu gọi, sau đó làm áp lực để số CNLĐ còn lại miễn cưỡng tham gia. Điển hình như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Nissey, do có thay đổi mức lương tối thiểu. Ngay lập tức, hòa giải viên nắm được nguyên nhân, sau đó tham vấn cho CNLĐ và chủ DN một phương án vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp khả năng DN. Kết quả đã hòa giải thành công.
Tại quận Thủ Đức, do địa bàn có hơn tám nghìn DN, nên quận tập trung thực hiện các giải pháp an sinh xã hội cho CNLĐ, như cử người đi khảo sát 7.323 phòng trọ, sau đó đề xuất gắn đồng hồ điện, cấp định mức sử dụng nước sạch như người dân có hộ khẩu; chăm lo cho CN khi đau ốm, bệnh tật, tổ chức các cuộc sinh hoạt vui chơi ở khu phố cho CN; tặng quà động viên chủ nhà trọ không tăng giá phòng… Từ nhiều việc làm thiết thực “đi vào lòng người” như thế, số vụ NVTT ở Thủ Đức đã giảm dần qua từng năm: Năm 2014: 14 vụ; năm 2015: 5 vụ; năm 2016: 3 vụ.
Tại Bình Tân, nơi có 33 nghìn DN với 300 nghìn lao động và đặc biệt được dư luận chú ý, khi có Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với 92 nghìn lao động đang làm việc. Pouyuen đã có 12 lần xảy ra sự cố, trong đó có những lần được cho là nghiêm trọng, khi 2.600 CNLĐ phản ứng quy định mức sản lượng (may giày) quá cao và thời gian xuống ca phải tăng thêm hai phút (lần một, diễn ra trong ngày); 90 nghìn CN ngừng việc yêu cầu tăng sinh hoạt phí 500 nghìn đồng/tháng (lần hai, dài chín ngày); 20 nghìn CN tuần hành phản đối giàn khoan HD 981 (lần ba, dài chín ngày).
Phó Bí thư Quận ủy Bình Tân Nguyễn Trần Phượng Trân nhớ lại: “Sau khi nắm tin, chúng tôi cho công an xuống bảo vệ trật tự quanh công ty, bảo vệ CN và bảo vệ tài sản DN. Ban Dân vận quận cùng 10 phường (có nhà trọ cho CN Pouyuen thuê) đến vận động hàng đêm ở từng phòng trọ để CN quay lại làm việc. Ngoài ra, chúng tôi còn lập ba nhóm để bảo đảm an ninh trong và ngoài DN; bóc tách các đối tượng cầm đầu để răn đe; nắm tư tưởng CN qua các nòng cốt chính trị".
Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình, Ban Quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza hiện có 296 nghìn LĐ, toàn Đảng bộ Hepza có 24 tổ chức cơ sở đảng với 1.596 đảng viên. Để giải quyết từ “trong trứng nước” các vụ NVTT, Đảng ủy thành lập 72 tổ dư luận xã hội có công đoàn và đoàn thanh niên tham gia, nhằm phục vụ cho việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư của CN. Đảng ủy cũng có chế độ bồi dưỡng, động viên các thành viên tổ, nhất là các thành viên tích cực làm tốt công tác nắm bắt tình hình CNLĐ, nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh những hậu quả xấu. Cùng với đó, Đảng ủy định kỳ rà soát nhân sự các công đoàn cơ sở, chi đoàn thanh niên tại các DN, khi có sự thay đổi nhân sự thì tiến hành kiện toàn, bổ sung kịp thời để duy trì đầu mối thông tin, liên hệ khi có vấn đề. Nhờ vậy, trong thời gian qua đã góp phần giải quyết được nhiều vụ NVTT. Nếu năm 2012 xảy ra 22 vụ thì năm 2014 đã giảm còn 15 vụ và năm 2016 chỉ xảy ra 14 vụ NVTT.
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, năm 2016, trên địa bàn xảy ra 54 vụ NVTT với 19 nghìn CN tham gia, với nguyên nhân liên quan các DN vi phạm quyền lợi của CNLĐ…
Theo Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết linh hoạt, hiệu quả những vụ NVTT, Ban đã phối hợp Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và ban hành “Đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2014 - 2020” với các nhóm giải pháp trọng tâm, hướng đến mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động. Ban cũng tham mưu Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN… Các giải pháp này đã giúp số vụ NVTT trên địa bàn giảm dần. Cụ thể, năm 2013, TP Hồ Chí Minh có 97 vụ, năm 2014 là 87 vụ, năm 2015 là 84 vụ và năm 2016 còn 54 vụ.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung đánh giá, 5 năm qua, số vụ NVTT đã giảm nhưng tình hình tranh chấp lao động trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn và sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, không phải đợi đến khi vụ việc xảy ra mới giải quyết, mà quan trọng phải có các biện pháp phòng ngừa. Muốn vậy, phải xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các quận ủy, huyện ủy cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện rà soát, bổ sung, cập nhật những vấn đề mới để có phương án giải quyết hiệu quả khi có tình huống xảy ra.
Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã giao Ban Dân vận Thành ủy hướng dẫn các quận ủy, huyện ủy xây dựng lực lượng nòng cốt tại DN, khu dân cư có đông CNLĐ để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ. Bên cạnh đó, trọng tâm vẫn là chăm lo đời sống cho người lao động một cách thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động, tránh hình thức, lãng phí.