Kiến tạo không gian phát triển kinh tế nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025.

Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Cùng đó là ra mắt Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020- 2025 tại thành phố Cần Thơ. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển vùng; Văn phòng điều phối giúp Ban Chỉ đạo điều phối, đôn đốc các hoạt động liên kết vùng và các tiểu vùng sản xuất thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, với nhiều ngành hàng thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, trái cây..., nhưng thời gian qua vẫn lúng túng trong phát triển do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; mỗi tỉnh, thành phố làm nông nghiệp theo hướng riêng, thiếu sự liên kết, phối hợp, nâng đỡ lẫn nhau.

Từ đó thường xuyên xảy ra tình trạng thừa, thiếu nông sản cục bộ; không chủ động được sản lượng, giá bán; không nắm bắt được tín hiệu thị trường, khiến nông dân nhiều phen thua lỗ do được mùa mất giá, do chậm thích ứng với những biến động liên tục của thị trường nông sản trong nước và thế giới.

Chính vì vậy, việc thành lập Văn phòng Điều phối nông nghiệp toàn vùng nhằm tạo ra không gian mở để kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và những người có tâm huyết với vùng đất này cùng trao đổi, hình thành ý tưởng, sáng kiến, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp. Dự kiến, hằng tháng và tiến tới hằng tuần, văn phòng sẽ có các sự kiện, hoạt động để tăng cường thiết lập kết nối vùng và tiểu vùng với các nội dung tập trung như: liên kết nguồn nước, liên kết hạ tầng, liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, liên kết thị trường, liên kết khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao...

Mục tiêu là để 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đơn thuần là 13 địa giới hành chính với những mảnh ghép rời rạc như hiện nay mà sẽ được tích hợp thành một không gian phát triển của từng ngành hàng nói riêng, của nền kinh tế nông nghiệp nói chung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, thống nhất về cơ chế lưu thông, hỗ trợ trao đổi tiêu thụ nông sản liên vùng.

Nhìn lại thời điểm giữa năm 2021, vào cao điểm dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi sản xuất, tiêu thụ nông sản bị đình trệ, đứt gãy thì nhờ có sự thành lập kịp thời và hoạt động hiệu quả của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mà nhiều khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ, tạo ra sợi dây liên kết bền chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước, nông dân và doanh nghiệp.

Cho đến giờ, sự gắn kết từ hoạt động của Tổ công tác 970 vẫn tiếp tục được nối dài và phát huy hiệu quả. Liên hệ đến tổ chức rộng hơn là Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, chắc chắn có nhiều kỳ vọng đây sẽ là “bệ đỡ” cho tư duy mở, sáng kiến hay, hành động nhanh để mang đến kết quả thực cho nông nghiệp toàn vùng thời gian tới.

TIẾN ANH