Gần 15 năm qua, Triển lãm điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn do hai nhà điêu khắc Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn khởi xướng, đã được tổ chức định kỳ hằng năm và từng bước tạo dựng nên một môi trường nghệ thuật cho các nhà điêu khắc vốn ít cơ hội công bố sáng tác, thể hiện tự do các ý tưởng của mình.
Chính không khí sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi trong những kỳ triển lãm như vậy đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho không ít tác giả trẻ phát huy được khả năng, phần nào khẳng định bản thân để tiến xa hơn trong nghề nghiệp và trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Tuy nhiên, thực tế triển lãm trong những năm qua cũng đặt ra nhiều vấn đề mà các nhà điêu khắc luôn trăn trở, đó là đến bao giờ, các tác phẩm của họ có được cơ hội được sử dụng ở các không gian công cộng. Bởi tác phẩm trưng bày trong triển lãm chỉ dành cho một số đối tượng công chúng nhất định, còn giá trị thật sự của nó là để phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng và xã hội.
Không thể phủ nhận vai trò của các tác phẩm điêu khắc khi nó gắn liền với công trình kiến trúc, bổ trợ không gian sống mang tính thẩm mỹ, tạo cảnh quan và bản sắc đô thị, đồng thời tăng cường sự tương tác của cư dân với môi trường chung quanh.
Cũng vì vậy, vị trí, nơi sắp đặt các tác phẩm thường là những không gian công cộng mà ở đó tác phẩm có thể phát huy được tối đa tính tổ hợp, sự tương tác với không gian, ánh sáng, gắn kết kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và công chúng.
Có một thực tế là điêu khắc hiện đại Việt Nam đang thu dần về các không gian nhỏ hẹp, ít có mặt trong các quy hoạch kiến trúc đô thị lớn. Nhiều nghệ sĩ dường như thu mình, thực hiện những tác phẩm chỉ để nhằm thỏa mãn đam mê sáng tạo, chứ không hướng tới các tác phẩm có tầm vóc tư tưởng, nghệ thuật lớn, đáp ứng sự phát triển của đất nước và cuộc sống hiện đại. Các khu chung cư, đô thị lớn nhanh chóng được xây dựng, nhưng thiếu vắng sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc trong không gian văn hóa dân sinh, cộng đồng.
Bên cạnh đó, khi chia sẻ về hướng phát triển cho điêu khắc công cộng, không ít người trong giới nghiên cứu và làm nghề nhìn nhận, trong quá trình thiết kế công trình, không phải tác phẩm điêu khắc nào cũng có thể được chủ đầu tư chấp nhận ngay mà luôn có sự lưỡng lự, nghi ngờ, nhất là trong thẩm định giá trị nghệ thuật thực sự của tác phẩm.
Không gian và cảnh quan cũng chưa được bố trí phù hợp để các tác phẩm phô diễn hết tính thẩm mỹ và hàm lượng nghệ thuật, trong khi xã hội cũng chưa nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của các công trình đó với đời sống của cộng đồng và cư dân. Chính vì thế mà giá trị của tác phẩm đối với không gian công cộng và việc ứng dụng trong đời sống chưa thật sự được lan tỏa rộng rãi.
Đã có nhiều giải pháp được bàn thảo, nhiều hướng đi trong những năm qua mà tương đối thành công và được coi là một mô hình lý tưởng cả về không gian, cảnh quan, kiến trúc với giới điêu khắc là các trại sáng tác và triển lãm ngoài trời, mà việc hình thành Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo Đại Lải tại tỉnh Vĩnh Phúc là một thí dụ khá thuyết phục. Mô hình này đã tạo ra sân chơi điêu khắc để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và trưng bày tác phẩm.
Một số nhà điêu khắc nhìn nhận, điêu khắc ngoài trời trong đời sống đương đại khó phát triển bởi ngay từ trong tư duy, quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị, các hình thái xây dựng và cấu trúc, điêu khắc đã không có vị trí và không hòa nhập vào sự phát triển chung.
Theo họ, để nghệ sĩ điêu khắc có cơ hội và không gian sáng tác, bản thân những người làm nghệ thuật cần lên tiếng để có những thay đổi về chính sách. Trong quy hoạch cần dành tỷ lệ nhất định cho công trình điêu khắc ngoài trời, từ đó kiến tạo không gian phát triển cho điêu khắc đương đại Việt Nam.
Nhìn vào những thách thức trong quá trình kiến tạo môi trường cho sự phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam, có thể thấy, bên cạnh nỗ lực sáng tác của nghệ sĩ điêu khắc, sự đổi mới trong tư duy sáng tác và ngôn ngữ tạo hình, chọn cách thể hiện mới phù hợp xu hướng thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao và gần gũi, thì cần có quy hoạch tổng thể về nghệ thuật điêu khắc trong không gian đô thị.