Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến các thành phố này có chiều hướng mất đi bản sắc cũng như sự độc đáo. Dấu ấn thời gian và yếu tố di sản dần bị thay thế.
Trong giai đoạn này, cần một bộ tiêu chí đặc thù của đô thị di sản, hoặc xây dựng cơ chế đô thị di sản làm cơ sở cho các địa phương tiến hành quy hoạch, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết mối quan hệ giữa hiện đại hóa và bảo tồn di sản đô thị trong quá trình đô thị hóa.
Cần một định nghĩa về đô thị di sản
Đang quản lý theo hướng đô thị di sản, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết: Hội An đang quản lý di sản với tâm thế, hình thức của một đô thị di sản. Thành phố có hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố.
Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có chín di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và tám di tích cấp tỉnh; các di tích sở hữu nhà nước chiếm 15,8% và các di tích sở hữu tư nhân, tập thể, chủ yếu là nhà ở, nhà thờ tộc, họ, chiếm 84,2%. Với hơn 1.300 di tích là nhà ở, nhà thờ đơn lẻ, thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, khu phố cổ Hội An là nơi người dân đang sinh sống và kinh doanh. Các di tích-nhà ở, nhà thờ phần lớn đã xuống cấp, nhu cầu tu bổ, sửa chữa rất lớn.
Do yêu cầu bảo tồn nguyên vẹn khu phố cổ phục vụ khách tham quan du lịch, hạn chế thấp nhất tình trạng xuống cấp của di sản, không được để tình trạng hư hỏng kéo dài, cho nên việc tu bổ di tích tại Hội An được thực hiện liên tục, thường xuyên. Nhiều trường hợp phải tu bổ khẩn cấp với những hạng mục có quy mô nhỏ như sửa chữa góc tường, lợp lại mái ngói, gia cố dầm cột...
Việc quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An nói riêng, toàn bộ hệ thống di tích, di sản văn hóa ở Hội An nói chung được các cấp chính quyền và cộng đồng người dân Hội An chung tay thực hiện. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật liên quan tu bổ, tôn tạo di tích chưa phù hợp tính đặc thù của di sản Hội An, làm nảy sinh nhiều trở ngại trong công tác tu bổ.
Các quy định về thủ tục, hồ sơ tu bổ đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt thường mất nhiều thời gian và phải lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, kể cả trong trường hợp tu bổ ở quy mô nhỏ. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định việc tu bổ di tích phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục nhằm khắc phục tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích một cách tùy tiện, sai nguyên tắc, không bảo đảm tính chân xác đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước…
Trong khi đó, đô thị cổ Hội An là di sản có yếu tố cộng đồng, là di sản văn hóa đang có con người sinh sống, nhiều thế hệ định cư, lập làng, lập nghiệp nhiều trăm năm…, bởi vậy khi áp dụng quy định này đối với khu phố cổ Hội An, chính quyền gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Tỉnh có 1.821 di tích, trong đó, 395 di tích đã được xếp hạng. Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh ở hạng mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và di tích núi Non Nước được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cố đô Hoa Lư là một vùng văn hóa đặc sắc, lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa từ xa xưa để lại. Dấu tích của một kinh thành còn lại bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, hệ thống hang động chùa như chùa Am Tiên, chùa Nhất Trụ, lăng vua Lê…
Tương tự, quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đang sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể quý giá và đồ sộ. Giống như khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, quần thể di tích cố đô Huế đang rất cần có những cơ chế đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra quá nhanh.
Trong khi đó, với diện mạo đặc trưng, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) mang dáng dấp đô thị di sản vùng cao nguyên khi sở hữu khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và phong cách kiến trúc riêng biệt; còn Sa Pa (Lào Cai) là thành phố trong sương với cảnh quan thơ mộng, địa hình đồi núi tự nhiên cùng phong tục, văn hóa bản địa riêng biệt… cũng trong tình trạng tương tự.
Sớm có bộ tiêu chí đô thị di sản để bảo tồn hiệu quả
Bên cạnh những khu đô thị cổ nêu trên, Việt Nam còn sở hữu nhiều thành phố có số lượng di sản, di tích lớn hoặc chứa đựng các yếu tố di sản, độc đáo và đặc thù… Quần thể di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật như các khu đô thị cổ, phố cổ, làng cổ, làng đô thị là những di sản “sống” hấp dẫn, thu hút khách du lịch tham quan.
Trong đó, Huế và Hội An là hai thành phố di sản của Việt Nam có mặt trong danh sách các thành phố di sản của Tổ chức các thành phố di sản thế giới (OWHC). Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm đô thị di sản hay di sản đô thị chưa được cụ thể hóa trong bất cứ văn bản pháp lý của nước nhà.
Nhìn nhận về đô thị di sản, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, đô thị di sản là bộ phận cấu thành của hệ thống di sản, là tài sản quốc gia và nhân loại. Đô thị di sản góp phần thúc đẩy và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương. Từ thực tiễn, đối với các quốc gia, thành thị, thành bang như ở một số nước châu Âu, đô thị di sản và đô thị di sản thiên niên kỷ không hiếm.
Tại các quốc gia khác trong khu vực và châu Á, có không ít nơi như cố đô Hoa Lư đã trở thành thành phố lịch sử, đô thị di sản nghìn năm tuổi. Bên cạnh mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản, việc đánh giá và công nhận giá trị di sản của một đô thị còn mang ý nghĩa tôn vinh giá trị của thành phố, tạo thương hiệu, góp phần quảng bá du lịch, làm nền tảng định hướng và phát huy các tiềm năng đô thị một cách hiệu quả và bền vững.
Trước các giá trị và sức hút to lớn của đô thị di sản, cần kiến tạo, thúc đẩy cơ chế đặc thù để đô thị di sản giữ được bản sắc, không bị cuốn theo sự phát triển của đô thị nén và bê-tông hóa, gây xung đột với giá trị di sản. Tương tự, từ thực tiễn vấn đề quản lý di sản của thành phố Hội An, việc xác định rõ những đặc tính, đặc thù của loại hình đô thị di sản để có cách ứng xử phù hợp cũng như bổ sung các thuật ngữ đô thị di sản để có cơ chế, chính sách trong công tác quản lý quy hoạch tốt hơn là việc làm cấp thiết.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần sớm cụ thể thuật ngữ đô thị di sản và bổ sung một chương trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định cụ thể về loại hình di sản này với các nội dung về tiêu chí công nhận, quy định mang tính đặc thù trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị... nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đối với các di sản mang yếu tố đô thị ở nước ta hiện nay.
Khi đã có những tiêu chí, quy định cụ thể, một số vấn đề khó khăn, bất cập như của đô thị cổ Hội An và một số địa phương nói chung, với các vấn đề nảy sinh liên quan sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích nêu trên sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được hiệu quả hơn.
Khi có cơ chế, chính sách riêng biệt để bảo vệ thành phố di sản, những nơi như Sa Pa sẽ giữ được nét đẹp tự nhiên, hoang sơ, tránh xung đột quá đà, sự lấn át của các công trình hiện đại đang được xây dựng ồ ạt. Cảnh quan và môi trường của Đà Lạt cũng không bị tàn phá như hiện nay.
Trên thế giới, nhiều quốc gia có những quy định, tiêu chí nhận diện đô thị di sản, theo đó, Việt Nam không thiếu các thành phố hội tụ đầy đủ các tiêu chí của đô thị di sản. Trong năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung trình Chính phủ hai Luật sửa đổi, bổ sung, đó là Luật Quảng cáo và Luật Di sản văn hóa. Thời gian không còn nhiều, cần nhìn nhận toàn diện các vấn đề cấp thiết trong quản lý di sản để điều chỉnh, bổ sung kịp thời trước khi luật chính thức được ban hành, làm cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo hướng tốt hơn.