Tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2018 có 14 vụ/35 tàu cá/286 ngư dân; năm 2020, có 10 vụ/23 tàu cá/201 ngư dân; năm 2021, có 4 vụ/5 tàu cá/67 ngư dân; từ tháng 8/2022 đến nay, cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Na cho biết: Sau chỉ đạo, triển khai quyết liệt của các cấp, địa phương, công tác chống khai thác IUU của tỉnh trong những tháng qua đã có những tiến bộ rõ rệt. 100% ngư dân trong tỉnh đều ký cam kết không vi phạm các quy định IUU. Riêng từ đầu năm đến nay, không có trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Các cảng cá phối hợp với Văn phòng đại diện nghề cá cũng thực hiện nghiêm việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Điền Lâm Văn Hồng cho biết: Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 là tổ chức các chương trình họp mặt, tặng quà và tuyên truyền pháp luật nhằm thắt chặt tình đoàn kết; động viên ngư dân yên tâm xuất bến đầu xuân, đánh bắt hải sản thắng lợi và tuân thủ pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài; qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trung tá Phạm Thân Quyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Trên địa bàn huyện có 1.754 phương tiện tàu, thuyền; trong đó, có hơn 1.200 tàu cá đánh bắt xa bờ. Mặc dù trong năm 2023 toàn huyện không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng vẫn còn 108 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác hải sản) và không đủ giấy tờ để xuất bến đi biển. Năm 2024, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát các phương tiện xuất, nhập bến; kiên quyết xử lý phương tiện “ba không”. Ngư dân cần thực hiện tốt các giải pháp để đồng hành với lực lượng chức năng sớm gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.
Theo các ngư dân huyện Long Điền, những năm gần đây việc khai thác hải sản của bà con gặp nhiều khó khăn vì ngư trường cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng cao. Dù vậy, đa số ngư dân vẫn đồng hành và thực hiện đúng quy định không đánh bắt hải sản bất hợp pháp. “Đi biển có khó khăn, mùa vụ thất bát nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp hành vì cái chung”, ngư dân Nguyễn Minh Thương đề nghị Nhà nước, chính quyền cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn để bà con yên tâm bám biển đúng quy định. Ngư dân Tạ Thái Sơn (huyện Long Điền) cũng khẳng định: “Chúng tôi ai cũng đồng tình, ủng hộ chống IUU vì ai cũng muốn bán được thủy sản giá cao và muốn bán giá cao thì phải xuất được sang châu Âu”.
Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân về chống IUU và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã theo dõi, giám sát 24/7 đối với toàn bộ tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo tất cả hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc; rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác bảo đảm tất cả sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương; bảo đảm tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên cập cảng chỉ định, thông báo trước một giờ, ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra đối chiếu thông tin nhật ký phù hợp với dữ liệu giám sát; xác minh, xử lý tất cả các tàu cá không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cảng cá chỉ định, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều nội dung tỉnh cần tập trung chỉ đạo xử lý trong thời gian tới; trong đó, tập trung công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập nhật đầy đủ trên dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần kiểm tra rà soát toàn bộ cảng, kiểm soát nghề cá, trong đó có kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng lên bến, nhật ký khai thác và thực thi xử lý vi phạm hành chính tại cảng; cần đặc biệt rà soát công tác xác nhận các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng như các thị trường khác.
Về công tác xử phạt vi phạm hành chính, tỉnh cần chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với những tàu cá, ngư dân vi phạm, bảo đảm tính răn đe để tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Công Vinh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương rà soát, thống kê lại số liệu tàu không hoạt động, xác định cụ thể vị trí neo đậu; đối chiếu lại các số liệu cho chính xác và thống nhất. “Chúng tôi khẳng định và cam kết mạnh mẽ trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tiến tới xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững, hội nhập khu vực và thế giới”, ông Nguyễn Công Vinh khẳng định.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác chống khai thác IUU, chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đồng thời, tạo niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền và các bên liên quan. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ cung cấp các bằng chứng thực tiễn, kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU để EC sớm xem xét việc tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.