Kiên quyết di dời người dân khỏi chung cư nguy hiểm

Ðể bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, nhiều năm nay thành phố Hà Nội tiến hành di dời người dân ra khỏi chung cư xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D, nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân kiên trì bám trụ tại chung cư, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Khe lún giữa hai đơn nguyên nhà G6A Thành Công.
Khe lún giữa hai đơn nguyên nhà G6A Thành Công.

Thời gian gần đây, thành phố Hà Nội có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhất là các chung cư được kiểm định, đánh giá nguy hiểm cấp độ D, cấp độ có khả năng đổ sập tòa nhà, gây mất an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Tuy nhiên, việc di dời người dân gặp không ít khó khăn, tòa nhà G6A Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Ðình có hai đơn nguyên được xác định là nhà nguy hiểm cấp D, nhưng đến nay vẫn còn hơn 20 hộ dân chưa chịu di dời. Sau hai lần kiểm định chất lượng, tòa nhà G6A Thành Công có độ lệch dao động từ 33mm đến 451mm, tương ứng với độ nghiêng từ 1,4% đến 4,8%.

Khe lún giữa hai đơn nguyên tách ra tạo thành khe hở hình chữ V, chỗ rộng nhất khoảng hơn 1m, nhưng một số cư dân vẫn cho rằng tòa nhà nghiêng "ổn định", không hề bị lay động và thậm chí còn cho rằng tòa nhà an toàn, còn lâu mới sập.

Còn theo đại diện Ủy ban nhân dân phường Thành Công, kết quả kiểm định chất lượng tòa nhà do đơn vị chuyên môn đánh giá. Nhìn bề ngoài bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy nhiều hạng mục tòa nhà xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng của phường và quận Ba Ðình đã nhiều lần vận động, tổ chức đối thoại, nhưng các hộ dân đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc di dời, bất chấp sự an toàn tính mạng của bản thân.

Trong khi đó, lộ trình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ yêu cầu phải lập quy hoạch tổng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch, ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; công khai các tiêu chí và tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Ðến lúc đó, đơn vị được lựa chọn chủ đầu tư sẽ lập phương án tái định cư và đưa ra hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn.

Theo các chuyên gia, vướng mắc chính trong việc di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm liên quan đến thời hạn sử dụng chung cư. Luật Nhà ở chưa quy định việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nhất là với nhà chung cư cũ không còn đủ an toàn buộc phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Chủ sở hữu nhà chung cư cho rằng đây là quyền vĩnh viễn.

Vì thế, Luật Nhà ở cần quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế, được ghi rõ trong văn bản thẩm định. Chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phá dỡ sẽ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải đóng góp kinh phí xây dựng chung cư mới theo tỷ lệ diện tích sử dụng căn hộ sở hữu nhân với suất đầu tư tại thời điểm lập phương án bồi thường.

Trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ diện tích sử dụng chung được xác định theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm thực hiện bồi thường và phải bàn giao lại diện tích đất thuộc quyền sử dụng cho chủ đầu tư dự án.

Trong khi các quy định pháp luật chưa được sửa đổi, việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thành phố Hà Nội chậm nhất trong quý I/2023 hoàn thành di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm, quận Ba Ðình đã ban hành các quyết định cưỡng chế di dời. Ngày 15/3, lực lượng chức năng đã tiến hành rào tôn quanh nhà G6A Thành Công để bảo đảm an toàn. Những ngày tới, Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm theo quy định.