Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát triển sản phẩm OCOP
Anh Nguyễn Như Mạnh (51 tuổi), chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng là truyền nhân đời thứ tư của gia đình làm bánh tráng. Anh Mạnh cũng là một trong những hộ có công đưa sản phẩm bánh tráng của xã Thạnh Hưng lên một tầm cao mới. "Bà cố tôi từ miền trung vào đây sinh sống và làm bánh tráng. Rồi tới ngoại, mẹ và tôi là đúng bốn đời nối nghiệp này, ngót khoảng 100 năm", anh Mạnh cho hay.
Theo anh Mạnh, trước năm 2006, gia đình anh chỉ làm bánh tráng thủ công. Bánh được tráng mỏng rồi phơi trên tàu lá dừa, số lượng rất ít, chỉ để ăn, bán ít cho hàng xóm và một số chợ nhỏ chung quanh huyện Giồng Riềng. Qua thời gian, bánh tráng của anh Mạnh khẳng định chất lượng, thơm, ngon, có độ dai, bởi được chọn lọc kỹ càng từ những thương hiệu gạo nổi tiếng như gạo Sóc Trăng, gạo Hầm Trâu, gạo vùng Miệt Thứ…
Tiếng lành đồn xa, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng dùng làm nguyên liệu gói cá, rau trong các đám cưới, giỗ… ngày càng cao đã thôi thúc anh Nguyễn Như Mạnh sản xuất ra bánh tráng thật nhiều. Năm 2008, được sự quan tâm, hỗ trợ vốn 215 triệu đồng và chính sách của chính quyền địa phương, anh Mạnh đầu tư thiết bị chuyển đổi quy trình sản xuất làm bánh tráng thủ công sang bán công nghiệp, giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng.
Năm 2020, bánh tráng của gia đình anh Nguyễn Như Mạnh đạt chứng nhận OCOP 3 sao và tiếp tục được chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia từ năm 2021 đến nay. Hiện bánh tráng Mạnh Tài được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng gần 200 tấn/năm.
"Tôi đang tranh thủ vốn vay, sự hướng dẫn của ngành chức năng để thiết kế lại cơ sở sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bánh tráng xã Thạnh Hưng gắn với thu hút khách du lịch đến tham quan quy trình làm ra chiếc bánh tráng", anh Mạnh bộc bạch.
Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận được xem là "thủ phủ" ngành nuôi tôm của tỉnh Kiên Giang. Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp người nông dân ở đây có thể nuôi được ba loại tôm (tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh) kết hợp với làm lúa một vụ cho hiệu quả khá cao. Thế mạnh là vậy, nhưng hơn 5 năm trước, huyện Vĩnh Thuận không có sản phẩm đặc trưng từ tôm để làm quà tặng mỗi khi có khách phương xa về.
Chị Lê Thị Kim Thoa (41 tuổi), ngụ ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, nhớ lại: "Lúc đó, tôi nghĩ chẳng lẽ mình tặng khách vài ký tôm tươi còn sống thì làm sao bảo quản và mang về? Nghĩ mãi, tôi quyết định làm sản phẩm tôm khô Vĩnh Thuận đóng gói, hút chân không… bảo đảm an toàn thực phẩm, dễ dàng mang đi xa". Thế rồi, sản phẩm tôm khô của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát do chính chị Thoa làm giám đốc ra đời vào tháng 10/2019, với tám thành viên, vốn hơn một tỷ đồng.
Am hiểu loài tôm, từ quá trình thu hoạch, chế biến, chị Thoa và các thành viên của hợp tác xã chế biến ra sản phẩm tôm khô Vĩnh Thuận thơm ngon, đậm đà, chất lượng. Cùng với tôm khô, chị Thoa cùng các xã viên thu mua cá lóc nuôi tự nhiên trong ruộng lúa để làm khô, làm mắm. Bình quân mỗi năm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát chế biến và cung ứng ra thị trường hơn tám tấn tôm khô, hơn một tấn khô cá lóc, hơn một tấn khô cá kèo; một tấn mắm tôm chua và một tấn mắm cá lóc. Năm 2021, cả năm sản phẩm này được ngành chức năng công nhận đạt OCOP 3 sao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm; trong đó có sáu sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn và Nước mắm Thanh Quốc), 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao với hơn 130 chủ thể. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa cho biết: "Các sản phẩm OCOP ở Kiên Giang hiện nay phản ánh sự sáng tạo, tâm huyết của người dân, niềm tự hào của mỗi địa phương trong bảo tồn, phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa riêng độc đáo, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn".
Nâng cao đời sống người dân
Chị Sơn Thị An Khang (28 tuổi) là công nhân lao động tại cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài hiện có cuộc sống ổn định, thu nhập khoảng bảy triệu đồng/tháng. "Công việc ở đây cũng nhàn, phần lớn làm trong mát. Ngoài thu nhập, hằng năm chủ cơ sở còn hỗ trợ tổ chức để công nhân đi tham quan du lịch, khám sức khỏe", chị Khang bộc bạch.
Không riêng chị Khang, hơn 15 năm qua, cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài của anh Nguyễn Như Mạnh còn tạo việc làm, thu nhập ổn định thường xuyên cho hơn 40 lao động, trung bình bảy triệu đồng/người/tháng, góp phần thay đổi diện mạo ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng.
Theo ban lãnh đạo ấp Thạnh Trung, toàn ấp có 498 hộ, với 1.298 nhân khẩu nhưng không còn hộ nghèo; 100% thanh niên trong độ tuổi lao động đều có việc làm tại các cơ sở xay xát gạo, làm bánh tráng, trồng lúa. Nhiều ngôi nhà mới bề thế, kiên cố được sơn phết kỹ càng, chứng minh cho sự đổi mới của một vùng quê.
Giồng Riềng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2020. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh cho biết: "Địa phương là huyện thuần nông, để cuộc sống người dân nâng cao, huyện chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn với phát triển du lịch vườn. Toàn huyện có 30 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Tới đây, huyện củng cố các sản phẩm OCOP hiện có và phát huy các cơ sở du lịch vườn hiện có, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân".
Huyện Vĩnh Thuận là địa phương cách trung tâm tỉnh Kiên Giang gần 80 km, có xuất phát điểm đi lên xây dựng nông thôn mới thấp. Tuy nhiên, sau 10 năm, huyện Vĩnh Thuận có sự đổi thay rõ nét trên tất cả các lĩnh vực và được công nhận huyện nông thôn mới năm 2020. Hiện, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm, giao thông liên xã, liên ấp thông suốt; đời sống người dân ngày một nâng lên. Huyện Vĩnh Thuận phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Từ đó cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm. Đến nay, 100% xã trong đất liền, các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.810/9.565 km, đạt tỷ lệ 71,2%. Hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống dân cư nông thôn ngày càng cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,7 triệu đồng/người (năm 2020), hiện nay tăng lên 57,8 triệu đồng/người.
"Nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển của tỉnh thời gian qua là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi về phương thức sản xuất, mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân", ông Toàn cho hay.
Ngày nay, nhắc tới Kiên Giang nhiều người không chỉ nghĩ ngay đến tiềm năng du lịch mà còn là các sản phẩm nức tiếng, như nước mắm Phú Quốc, tôm khô Vĩnh Thuận, hồ tiêu Phú Quốc, bánh tráng Thạnh Hưng,… Tất cả đều mang hương vị mặn mòi của biển cả và công sức lao động cần mẫn của người nông dân. Những sản phẩm OCOP làm ra hôm nay đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của biết bao người dân và làm thay đổi những làng quê…