Kiên Giang gỡ khó cho hoạt động khai thác và chế biến thủy sản

NDO -

Tàu cá nằm bờ, nhà máy đóng cửa là thực trạng đã và đang tồn tại nhiều tháng qua tại Kiên Giang. Mặc dù hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được tạm khống chế, các hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản đang được các phía nỗ lực nối lại, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn.

Công nhân của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Khuê chế biến bạch tuộc. (Ảnh: VIỆT TIẾN)
Công nhân của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Khuê chế biến bạch tuộc. (Ảnh: VIỆT TIẾN)

Liên tiếp trong hai ngày 12 và 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, có các buổi làm việc với Hội Thủy sản, Hội Nghề cá và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, kết nối lại hoạt động khai thác và chế biến thủy sản.

Từ khó khăn của ngư dân

Hiện số tàu cá của tỉnh Kiên Giang là 9.888 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 3.985 chiếc. 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác của tỉnh đạt hơn 430.000 tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm 2020.         

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Quảng Trọng Thao cho biết: Sản lượng khai thác thời gian gần đây có tăng so với cùng thời điểm năm trước nhưng doanh thu không tăng do giá dầu tăng khoảng 3.000 đồng/lít, giá sản phẩm thủy sản giảm từ 20-40%. Đặc biệt, sản phẩm mực khô giảm từ 30%, một số ít mặt hàng giảm đến 50% nhưng không có người mua.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, phương tiện vận chuyển để tiêu thụ sản phẩm không hoặc khó lưu thông, làm tăng chi phí. Ở một khía cạnh khác, việc lưu thông sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản bị thu hẹp, giá sản phẩm giảm, hiệu quả sản xuất của chủ tàu và doanh nghiệp chế biến thấp.

“Rà soát sơ bộ, đến giữa tháng 9, toàn tỉnh có khoảng 40% số tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải nằm bờ do khi tàu vào bờ, chủ tàu không huy động lại được số lao động cần thiết cho chuyến biển mới. Và để tái hoạt động, các chủ tàu cần vay vốn chi phí cho tàu ra khơi nhưng không kết nối được”, ông Thao cho biết.

Theo một số ngư dân, do ngư trường cạn kiệt, chi phí ra khơi tăng vọt, trong khi sản lượng khai thác sụt giảm nên nhiều chủ tàu làm ăn thua lỗ, nợ nần. Khó chồng khó, đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động từ khai thác, vận chuyển, thu mua… đều đông cứng, các chủ tàu chỉ biết neo tàu chịu trận.

“Nhà nước cần có chính sách vận động các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản tăng cường năng lực sản xuất, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu để giúp ngư dân tiêu thụ tốt các sản phẩm khai thác với giá cả hợp lý. Hiện nay, ngư dân đang bị ép giá, nên thiệt hại nặng nề…”, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá nhấn mạnh.

Đến khó khăn của ngành chế biến thủy sản

Tương tự, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu cũng lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong 9 tháng qua ước đạt hơn 172 triệu USD, đạt 70,5% kế hoạch, chiếm 32,84% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các doanh nghiệp phản ánh, dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên nhiều mặt, trong đó, có việc phát sinh thêm nhiều chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh và trang bị các điều kiện cho người lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Ông Trần Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kiên Hùng, cho biết, công ty phải đóng cửa 3 cơ sở vì không đáp ứng phương án “3 tại chỗ”. 2 cơ sở thực hiện “3 tại chỗ” nhưng chỉ bố trí được 40% lượng công nhân ăn, ở làm việc tại nhà máy, nên công suất chế biến chỉ còn khoảng 30% đến 35% so với trước.

“Do thiếu công nhân nên không đủ lượng hàng giao cho khách theo hợp đồng. Doanh nghiệp phải gia hạn hợp đồng và không ký được hợp đồng mới. Trong khi chi phí thực hiện “3 tại chỗ” rất cao. Ngoài tiền lương, công ty còn phải hỗ trợ thêm cho công nhân 3 triệu đồng/người/tháng, bao gồm chi phí test Covid-19 định kỳ, chi phí ăn, ở của công nhân, cộng các khoản mỗi tháng phát sinh thêm khoảng 4 tỷ đồng”, ông Dũng nói.

Kiên Giang gỡ khó cho hoạt động khai thác và chế biến thủy sản -0
 Vận chuyển cá từ tàu lên cảng tại Cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành. (Ảnh: VIỆT TIẾN)

Ngoài ra, các chi phí vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thuê container đều tăng. Thủ tục thông quan kéo dài, do chờ kiểm dịch Covid-19, dẫn đến khả năng thanh khoản chậm. Việc đi lại, thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại các tỉnh, thành phố có cảng xuất hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng lao động tại các doanh nghiệp được tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa nhiều, chưa phủ đều, cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Gỡ khó cho ngư dân và doanh nghiệp

Trước những khó khăn nêu trên, Hội Thủy sản và Hội Nghề cá và các doanh nghiệp đề nghị cần mở rộng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động trên các tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cận nghề cá và người lao động trong khu vực cảng cá cũng như công nhân, người lao động tham gia thực hiện chuỗi dây chuyền sản xuất, lưu thông, phân phối, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.

Để gỡ khó trong hoạt động khai thác và chế biến thủy sản xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ cung ứng vật tư, trang thiết bị, các phương tiện tàu, xe của các doanh nghiệp khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản… hoạt động. Người lao động, ngư phủ làm việc trên tàu khai thác, cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản... được đi lại lao động, vận chuyển hàng hóa.

Sở Công thương cần tăng cường công tác kiểm soát thị trường, giá cả đối với các sản phẩm thủy sản khai thác, kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu nhằm ổn định giá để giảm thiệt thòi cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang phối hợp các sở, ngành vận dụng các chính sách, quy trình hỗ trợ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng phương án đánh giá thực trạng nghề khai thác thủy sản của tỉnh làm cơ sở cấp phép khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ tàu tiếp tục ra khơi, bám biển và các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề.

“Giao Sở Y tế phối hợp, rà soát, ưu tiên triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lao động tại các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn. Kiên Giang cố gắng tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt tỷ lệ 80% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ngừa. Đạt được tỷ lệ này sẽ tạo điều kiện, nền tảng tốt để chính quyền, các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất trong năm 2022”, ông Lâm Minh Thành cho biết.