Kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội

NDO -

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện các mục tiêu: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Phải phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an dân; bảo đảm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ. Khai thác tối đa lợi thế các Hiệp định FTA đã ký.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chiều 6/11, tại Trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau khi Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 đến 5/11.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tháng 10 có nhiều sự kiện quan trọng, cả đối nội và đối ngoại. Trong tháng 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 4; Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 2.

Phục vụ 2 sự kiện này, Chính phủ đã tích cực chuẩn bị nhiều tài liệu, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh, trong đó chuẩn bị 54 báo cáo gửi Quốc hội. Các báo cáo tại đợt 1 kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được đánh giá là đạt chất lượng cao.

Trong tháng 10, chúng ta có nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38-39; dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

“Về đối nội, chúng ta có nhiều việc, đối ngoại cũng có nhiều việc, phải chuẩn bị chu đáo, kỹ càng”, Thủ tướng nói. Trong tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 cụ thể hóa một bước Nghị quyết 128.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 -0

Kể từ khi ban hành (ngày 11/10) đến nay, các quy định của Nghị quyết 128 cơ bản phù hợp với tình hình. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, mặc dù “còn có việc này, việc kia chúng ta phải nhìn nhận, xem xét và bám sát, dựa trên thực tiễn để điều chỉnh từng bước một cách hiệu quả”, Thủ tướng cho biết. Chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero Covid”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá kỹ thực trạng, những việc làm được và chưa làm được trong tháng 10 và 10 tháng qua, từ đó đề ra các giải pháp, những việc cần làm trong tháng 11, 12 - hai tháng quan trọng đối với phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội.

Đây cũng là thời gian Chính phủ chuẩn bị những đề án, nội dung quan trọng để báo cáo các cấp có thẩm quyền, như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2025, về tăng trưởng xanh, hoàn thiện chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình hồi phục kinh tế năm 2022-2023…

Tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm. Chính phủ sẽ nghe, thảo luận Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, có điểm tích cực, dịch bệnh dần được kiểm soát, đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine, nhiều chính sách xã hội được thực hiện quyết liệt.

Trong điều kiện bình thường mà làm an sinh xã hội có mấy triệu người còn trục trặc, trong bối cảnh hiện nay, làm tới hàng chục triệu người thì trục trặc là chuyện bình thường. Điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện và kịp thời điều chỉnh mọi bất cập, trục trặc. Đẩy nhanh tiến trình vaccine cả về nhập khẩu, sản xuất trong nước, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi, duy trì đà tăng trưởng tích cực. Lạm phát được kiểm soát tốt; thu hút đầu tư vẫn tăng. Phải làm trực tiếp các nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư, không mất thời gian. Thủ tướng lưu ý về Quy hoạch điện VIII phải làm nghiêm túc, phải lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, các địa phương, các tập đoàn lớn trên tinh thần công khai, minh bạch.

Thủ tướng đề nghị phải tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính; cần tập trung cho đào tạo. Không chủ quan trước dịch bệnh. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là rất rõ, vừa có cơ hội, vừa thách thức. Cần quan tâm vấn đề lãi suất, chính sách tiền tệ hài hòa với chính sách tài khóa. Điều quan trọng là phải kiểm soát dịch bệnh. Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, nhất là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cần phải chú ý là vaccine về rồi thì phải tiêm. Phải tiêm trong tháng 11 cho hết vaccine hiện có trên tinh thần khoa học, hiệu quả, an toàn. Nếu không tiêm, không kiểm soát được rủi ro. Phải có biện pháp tăng thu và giảm chi; phải cân đối lại nguồn ngân sách. Đầu tư công vẫn là điểm yếu, cần phân tích mổ xẻ, rút kinh nghiệm, tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, nhất là ngân hàng và tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư. Hoạt động doanh nghiệp có phục hồi nhưng còn khó khăn…

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các mục tiêu: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Phải phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an dân; bảo đảm giữ vững chủ quyền, lãnh thổ. Khai thác tối đa lợi thế các Hiệp định FTA đã ký.

Thủ tướng yêu cầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chương trình phục hồi kinh tế phù hợp tình hợp, tăng cường năng lực y tế, cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, lo các đối tượng bị tổn thương do dịch bệnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sử dụng nguồn tiền hợp lý để tạo đòn bẩy phục hồi kinh tế, tập trung đầu tư vào 3 đột phá chiến lược. Khẩn trương thực hiện các gói tín dụng và an sinh xã hội đã được thông qua, bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn và kịp thời, chống tiêu cực và nhũng nhiễu. Thúc đẩy phân cấp, phân quyền và sớm có Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này. Cần có gói tín dụng để xây nhà ở cho công nhân.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; phải tập trung mở cửa nền kinh tế toàn diện, làm được điều này thì phải phụ thuộc vaccine. Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế chủ trì, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở các tỉnh, nếu cần huy động cả lực lượng quan đội vào hỗ trợ tiêm chủng; tỉnh nào có vaccine mà tiêm chậm thì điều cho tỉnh khác; phải có kỷ luật trong vấn đề này. Hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Chính phủ. Quan tâm, chăm lo việc tiêm vaccine cho các cháu trong hoàn cảnh vaccine còn khan hiếm, tính toán tiêm ở độ tuổi, tính toán mở cửa lại trường học trên cơ sở bảo đảm an toàn, kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế chỉ đạo vấn đề vaccine, sinh phẩm sản xuất trong nước; phải có đặt hàng và công bố giá cả công khai, minh bạch để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.