Tăng chuẩn kiểm định
Trong phát triển GDĐH trước đây, phần lớn các trường ĐH chưa thật sự chú ý đến những điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như kết quả sản phẩm đầu ra là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nhân lực trong xu thế hội nhập hiện nay đòi hỏi các trường ĐH cần có sự chuẩn hóa, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Vì vậy, kiểm định chất lượng là một quá trình xem xét chất lượng GDĐH từ bên ngoài, để khảo sát, đánh giá, từ đó giúp các trường ĐH cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) trong 10 năm trở lại đây, công tác kiểm định chất lượng đã được triển khai trong toàn hệ thống và ngày càng chuyển biến rõ nét. Phần lớn các trường ĐH đều hình thành được cơ quan chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng. Quá trình kiểm định những năm trước được triển khai theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đánh giá trường ĐH.
Những điều kiện bảo đảm chất lượng của trường ĐH được chú trọng gồm: đội ngũ; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu; phòng học, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm; nguồn lực tài chính… Cả nước có năm trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập nhằm đánh giá ngoài và công nhận chuẩn chất lượng các trường ĐH trên cả nước. Quá trình kiểm định các trường thực hiện đầy đủ theo bốn bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận đạt chuẩn.
Hiện nay, cả nước có 236 cơ sở GDĐH với tổng quy mô đào tạo là hơn 1,7 triệu sinh viên, hơn 106.500 học viên cao học và hơn 14.600 nghiên cứu sinh. Kết quả kiểm định chất lượng, tính đến ngày 31-8-2018, cả nước có 124 trường ĐH được đánh giá ngoài (chiếm 51,9% trong tổng số các trường ĐH), trong đó, 117 trường ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng, tiếp cận chuẩn khu vực, Bộ GD và ĐT đã đổi mới, ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định thay thế quy định cũ. Trong đó, quy định 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí đánh giá các trường ĐH, trên cơ sở chuẩn kiểm định mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA). Hiện nay, hai trường ĐH đã đăng ký kiểm định theo chuẩn mới là Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh.
Đối với kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, năm học 2017-2018, hai trường ĐH được đánh giá ngoài và công nhận, nâng tổng số đến nay có sáu trường ĐH Việt Nam đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế do AUN-QA và Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) kiểm định. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) được cả hai tổ chức nêu trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Ngoài ra, việc kiểm định chương trình đào tạo cũng có những chuyển biến tích cực, năm học 2017-2018, thêm 18 chương trình, nâng tổng số đến nay có 107 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định uy tín trên thế giới (như ABET, AUN-QA, CTI, ACBSP và FIBAA,…).
Đáng chú ý, những tiêu chí trong kiểm định chất lượng đã tạo áp lực để các trường ĐH chú trọng, đổi mới, tìm giải pháp nâng cao chất lượng. Chia sẻ về quá trình chuẩn bị kiểm định, TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng ĐH Mở Hà Nội cho biết, để đạt chuẩn kiểm định là quá trình bảo đảm các điều kiện trong nhiều năm. Viện đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, tìm những cách làm phù hợp thực tiễn từ quản lý, đến đào tạo. Viện thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng trường để công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát nâng cao chất lượng được thông suốt. Việc tăng cường giảng viên được đưa lên hàng đầu, toàn viện đã xây dựng đội ngũ gồm 37 GS, PGS; 124 tiến sĩ và 42 cán bộ, giảng viên đang là nghiên cứu sinh. Viện tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào đào tạo, đầu tư ba trường quay hiện đại, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, máy quay chuyên nghiệp và gần 500 máy tính cấu hình cao được trang bị tại các địa điểm học tập… Đáng chú ý, quá trình khảo sát cho thấy, tỷ lệ sinh viên hệ tập trung, tốt nghiệp đã có việc làm, trong năm đầu tiên đạt tỷ lệ trung bình 97,25%. Vì vậy, đầu năm 2018, sau quá trình đánh giá ngoài, thẩm định, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã trao quyết định đạt chuẩn kiểm định chất lượng cho Viện ĐH Mở Hà Nội.
Kết quả tích cực
Do công tác kiểm định được đẩy mạnh, các trường ĐH chú trọng vào những điều kiện bảo đảm chất lượng, GDĐH từng bước đáp ứng tốt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đánh giá của Bộ GD và ĐT cho thấy, cả nước hiện có 25 cơ sở GDĐH được xác nhận xây dựng thành trường trọng điểm, trong đó, 22 cơ sở GDĐH được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và ba cơ sở GDĐH được các bộ chủ quản xác nhận. Trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu, các trường ĐH đã có sự điều chỉnh về cơ cấu, tập trung mở mới và nâng cao chất lượng các ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong nước, cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN, thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch… Các trường ĐH tiếp tục phát triển và lan tỏa những chương trình chất lượng cao được chuyên gia và người học đánh giá tốt. Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc, tính đến giữa năm 2018, cả nước có 526 chương trình liên kết quốc tế, 60 chương trình đào tạo chất lượng cao, 50 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE), 35 chương trình tiên tiến, 20 chương trình tài năng và 16 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV). Cùng với điều chỉnh cơ cấu ngành, nhiều trường ĐH tích cực đầu tư cơ sở vật chất để khẳng định uy tín và thu hút người học. Hệ thống phòng thí nghiệm, nhất là phòng thí nghiệm công nghệ cao của khối trường ĐH kỹ thuật được đầu tư mới bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh... Đội ngũ giảng viên tăng, kết thúc năm học 2017-2018, tổng số giảng viên trong các trường ĐH là 74.991 người, trong đó số có trình độ TS là 20.198 người, chiếm 26,9% tổng số giảng viên (tăng 4,2% so năm học 2016-2017). Các giảng viên đã quan tâm nhiều hơn đến việc đăng tải những chuyên đề và công bố quốc tế, nhất là số lượng bài báo thuộc danh mục hệ thống ISI, Scopus.
Theo các chuyên gia giáo dục, điều đáng ghi nhận của GDĐH thời gian qua là quá trình chuyển giao khoa học và công nghệ đã thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho phát triển phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong trường ĐH. Điển hình là các trường ĐH khối kỹ thuật như: Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng,… Việc gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động phát huy tác dụng khá tích cực. Theo kết quả kiểm tra tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm của hai khóa gần nhất, trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp ở 23 cơ sở đào tạo (năm 2018) của Bộ GD và ĐT cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình ở các cơ sở đào tạo đã được cải thiện rõ rệt, năm 2015 là 86,1% và năm 2016 là 87%... Vì vậy, để nâng cao chất lượng GDĐH, năm học 2018-2019, Bộ GD và ĐT tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài để cải tiến nâng cao chất lượng trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập của các tổ chức kiểm định. Mục tiêu đến hết năm 2018, 50% số cơ sở GDĐH được kiểm định; đến hết năm 2020, đánh giá ngoài xong vòng một đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế. Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ khuyến khích các trường ĐH xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định các chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng bên trong, bên ngoài và từng bước kiểm định theo những tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước.