Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi

Không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm

NDO -

NDĐT - Trao đổi với các phóng viên bên lề phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cần phải sử dụng đồng bộ các biện pháp, chứ không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm. Đây là chính sách cần quán triệt.

Không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm

Hỏi: Thưa ông, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này có những nội dung gì đặc biệt quan tâm?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Là một trong những bộ luật ban hành sớm nhất, Bộ luật Hình sự được Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có thể nói, trong lần sửa đổi này, Bộ luật Hình sự được sửa đổi toàn diện. Có một đặc thù trong Bộ luật Hình sự sửa đổi cần quán triệt là thể chế hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 trong quá trình soạn thảo. Chúng ta tiến hành dân chủ hoá trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động dân chủ hoá trong lĩnh vực tư pháp. Quá trình quán triệt tư tưởng của Hiến pháp năm 2013 vào Bộ luật Hình sự như thế nào là một thách thức vô cùng to lớn. Lý do là vì, trong thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn, và trên một số mặt nghiêm trọng hơn. Nhưng phải thể chế hoá quy định của Hiến pháp là dân chủ hơn, trong đó có những thể chế như bỏ hình phạt tử hình, phi hình sự hoá một số tội phạm về kinh tế…

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này đặt ra những thách thức rất lớn. Có những mặt, chúng ta phải bảo đảm hình phạt vẫn giữ tính chất răn đe, phòng ngừa. Nhưng có những loại tội phạm phải không hình sự hoá. Đây là một quá trình phải rà soát rất kỹ dựa trên hai cơ sở quan trọng nhất.

Một là, cơ sở về vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm học và hình sự học.

Hai là, dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Quan trọng nhất là trên cơ sở thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế. Nói ngắn gọn, Bộ luật Hình sự lần này được sửa đổi để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Bên cạnh đó là phúc đáp yêu cầu xu hướng dân chủ của thế giới. Thí dụ, quy định bỏ án tử hình phúc đáp yêu cầu về dân chủ, cũng như việc nước ta tham gia một số công ước quốc tế song phương và đa phương. Điều này nhằm bảo đảm hơn các quyền về con người, kể cả khi cá nhân phạm tội, những quyền con người vẫn phải được bảo đảm. Đó là những tiến bộ của Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm ảnh 1

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Hỏi: Ông vừa đề cập đến vấn đề phi hình sự hoá. Vậy nội dung cụ thể của quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là gì?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Trước đây, có những hành vi bị coi đó là tội phạm. Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong nền kinh tế thị trường, thí dụ với hành vi kinh doanh trái phép, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó không nhất thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm nghiêm khắc nhất trong hệ thống trách nhiệm của Nhà nước ta nên có thể áp dụng các trách nhiệm khác. Như với cán bộ - công chức: áp dụng hình thức kỷ luật, với người dân: áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, không nhất thiết phải đưa vào trách nhiệm hình sự.

Thực tế chứng minh rằng, không phải cứ xử thật nặng, áp dụng thật nhiều án tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Hình phạt và tử hình không phải là cứu cánh cho giảm vi phạm pháp luật về tội phạm. Năm 1999, khi tội phạm về ma tuý phát triển, Bộ luật Hình sự sửa đổi thời gian đó đã tăng mức hình phạt cho tội phạm về ma tuý với mức án cao nhất. Có vụ án ma tuý, toà tuyên tới 5-7 án tử hình, nhưng tội phạm ma tuý không hề giảm. Như vậy, hình phạt và trách nhiệm hình sự không phải là cứu cánh. Chúng ta phải sử dụng đồng bộ các biện pháp khác, chứ không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm sẽ giảm. Đây là chính sách cần phải quán triệt.

Hỏi: Quan điểm của ông về việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Việc thể chế hoá Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị chỉ áp dụng hình phạt tù và tử hình trong trường hợp không áp dụng được các biện pháp khác như cải tạo không giam giữ, quản chế… Về nguyên tắc, tôi không đồng tình với quan điểm này. Về việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù, trước hết là không quán triệt được tư tưởng của cải cách tư pháp nhằm giảm các biện pháp phạt tù xuống. Thứ hai là, như vậy, người dân sẽ cho rằng, những người có tiền không phải đi tù, còn người nghèo không có tiền thì phải bắt vào tù. Vì vậy không bảo đảm công bằng. Quan điểm cá nhân tôi không đồng tình với chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù vì không quán triệt được cải cách tư pháp. Trên thực tế, quy định này gây sự bất bình của người dân, và quá trình áp dụng như thế nào cũng rất dễ phát sinh những kẽ hở tiêu cực.

Lâu nay, giám sát của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, ở một số nơi, khi cá nhân có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khắc phục hậu quả thì cơ quan chức năng ở một số nơi lại đình chỉ điều tra. Đó là sai pháp luật. Trong một số vụ án, Uỷ ban Tư pháp có công văn yêu cầu phục hồi điều tra. Bởi vì, việc khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ không phải miễn trách nhiệm hình sự. Lần này, cũng xuất phát từ thực tế thu hồi tài sản tham nhũng chiếm tỷ lệ rất hấp. Quan trọng là chúng ta mất người, mất cán bộ rồi, lại mất luôn của tiền của Nhà nước. Thế thì, một trong những mục đích mà Bộ luật Hình sự có thể góp phần vào việc thu hồi tài sản tham nhũng từ tiền của dân, ngân sách Nhà nước. Bộ luật Hình sự quy định, trong trường hợp cá nhân chủ động khắc phục hậu quả, thì khuyến khích người ta chủ động khắc phục. Một mặt, đây vẫn được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nhưng việc chủ động khắc phục trước khi bị phát hiện có thể xem xét giảm và miễn trách nhiệm hình sự. Đây là một yêu cầu xuất phát từ thực tiễn của việc thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân.

Hỏi: Ông có nói đến việc nộp tiền để giảm án. Nhiều quan điểm cho rằng, hiện nay ngân sách đang khó khăn, những người phạm tội có thể nộp tiền và cho họ cơ hội làm lại?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Quy định này không phải bây giờ mới có. Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định. Việc cá nhân chủ động khắc phục hậu quả được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong lần sửa đổi này, chúng ta tăng lên một mức nữa là, cá nhân chủ động khắc phục trách nhiệm, hậu quả trước khi bị các cơ quan tố tụng phát hiện, khai báo hành vi có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Tôi nhấn mạnh là có thể thôi, vì pháp luật còn xem xét tổng thể các tình tiết khác của vụ án.

Hỏi: Có thực tế rằng, dường như các điều luật trong Bộ luật Hình sự sửa đổi giảm nhẹ tội cho hầu hết các đối tượng. Nhưng trong thời gian vừa qua, có nhiều vụ án giết người, cướp của nghiêm trọng đều do các đối tượng vị thành niên thực hiện, gây nên tình trạng đáng báo động trong xã hội. Khi giảm nhẹ tội cho những đối tượng như vậy có tạo kẽ hở trong pháp luật?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Tôi đã nói rõ rằng, chính sách hình sự phải xem xét một cách tổng hợp. Như nhìn từ thí dụ với tội phạm về ma tuý. Rõ ràng, toà xử một vụ tới 5-7 án tử hình, luật đẩy khung hình phạt cho tội phạm ma tuý cho khung hình phạt cao nhất vào năm 1999, nhưng tội phạm ma tuý đâu có giảm, không giảm một chút nào cả. Cho nên, khi hoạch định chính sách, chúng ta đừng nghĩ rằng tăng hình phạt lên là giải pháp hiệu quả. Hình phạt thế nào để tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội, điều này mới là vấn đề phải nghiên cứu, mới là khoa học pháp lý về hình sự cần phải nghiên cứu.

Ngoài ra, đối với trẻ em, hình phạt càng phạt nặng bao nhiêu càng phản tác dụng. Khoa học hình sự thế giới đã chứng minh điều đó. Không phải phạt nặng với trẻ em mà chúng ta đạt được những mục đích khác. Đương nhiên, nói đến hình sự, nói đến hình phạt là bao giờ cũng nói đến tính răn đe, phòng ngừa. Nhưng răn đe, phòng ngừa như thế nào là cả một vấn đề. Cho nên, tôi vẫn nói rằng không phải tăng mức hình phạt lên là cứu cánh của mọi vấn đề. Chúng ta phải sử dụng đồng bộ các biện pháp khác. Chính sách hình sự nhân đạo hơn, bảo đảm quyền con người hơn, nhất là với trẻ em. Thực ra, các cháu là nạn nhân, vì vừa là chủ thể của tội phạm, vừa là nạn nhân xã hội của tội phạm. Cho nên, chúng ta phải nhìn dưới góc độ đó thì mới hoạch định chính sách đúng.