Không gian bay cho “vũ điệu Ramsar”

Chỉ tay về phía đàn chim nối nhau, sải cánh bay từ cánh rừng ngập mặn sú vẹt, anh Lê Tiến Dũng, cán bộ Phòng Bảo tồn tài nguyên và Môi trường (Vườn quốc gia Xuân Thủy) nói với chúng tôi: Vũ điệu Ramsar đấy! Hôm qua chúng tôi quan sát, đã có 38 cá thể cò thìa về vườn, hôm nay chắc sẽ nhiều hơn...
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ông Phan Văn Tiếp là địa điểm của đội tự quản vùng đệm.
Nhà ông Phan Văn Tiếp là địa điểm của đội tự quản vùng đệm.

Chúng tôi vừa có dịp về Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đúng dịp các loài chim di cư từ phương bắc tránh rét về dừng chân, kiếm ăn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Lê Tiến Dũng, người có 25 năm làm việc tại đây chia sẻ: Hàng chục nghìn cá thể chim về đây từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, có những loài ở đến tháng 5 rồi mới đi. Trong số hơn 200 loài chim có mặt trong Vườn quốc gia, có những loài nằm trong sách đỏ của quốc tế. Biểu tượng của Vườn quốc gia Xuân Thủy là cá thể cò thìa, đến nay về được 38 cá thể, có năm đếm được 84 cá thể về đây.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng rộng lớn đất ngập nước đa dạng kiểu hệ sinh thái giáp cửa sông Hồng, đất liền và Biển Đông. Vườn có tổng diện tích 15.100 ha, chia hai vùng (vùng đệm và vùng lõi) và một khu hành chính. Vườn quốc gia Xuân Thủy được hình thành từ phù sa của sông Hồng trộn lẫn cồn cát ven biển, bao gồm phần bãi phía trong của cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Mờ (Xanh). Từ khu hành chính, men theo các dòng kênh là các cánh đồng nước dâng ngập mênh mông, các cánh đồng “ăn” ra tận phía đê biển, người dân ở đây được canh tác nuôi thủy hải sản để phát triển kinh tế. Theo Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt, vùng đệm có diện tích 8.000 ha được phép phát triển kinh tế theo quy hoạch, theo mục đích nuôi trồng thủy sản nhưng không được chặt cây, không được bắt chim, không làm ảnh hưởng tới môi trường...

Không gian bay cho “vũ điệu Ramsar” ảnh 1

Cò Thìa mặt đen (loài nguy cấp) ( biểu tượng của Vườn quốc gia Xuân Thủy).

Từ vùng đệm đi khoảng hơn 3 km ra đến đê chắn sóng Vành Lược, ở đây có trạm kiểm lâm, tính từ trạm kiểm lâm về phía biển là diện tích vùng lõi (7.100 ha); trong đó, diện tích đất nổi có rừng là 3.100 ha, diện tích đất rừng ngập nước là 4.000 ha bao gồm một phần diện tích cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Mờ. Những cồn cát này được ngăn cách nhau bởi các lạch nước, di chuyển chủ yếu bằng phương tiện thủy.

Gió heo may gờn gợn, từ ngoài khơi mênh mang xa lắc, những đàn chim nối đuôi nhau lũ lượt kéo vào kiếm ăn trong vùng nước giao, nơi bờ biển đục ngầu, khi mà gió chuyển hướng. Có những đàn lên tới hàng trăm, hàng nghìn con, phía trong vùng đệm giao nhau với vùng lõi, tiếng chim gọi nhau trong bụi, bãi sú vẹt mọc bốn mùa rậm rịt trên nước mặn. Dọc bờ biển, thỉnh thoảng có những con sứa to tầm chiếc nón lớn vật vờ trên sóng, dạt vào chân bãi vẹt.

Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên và Môi trường Phan Văn Trường giải thích: Hôm nay đổi gió, các ngư dân không ra kéo lưới. Ở đây là nơi sinh sống của 120 loài thực vật, hơn 500 loài động vật, 30 loài bò sát và lưỡng cư. Hiện tại, công tác bảo vệ loài chim tốt nhất, bởi đây là phần diện tích được quốc tế công nhận; các lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng... cùng phối hợp. Để bảo vệ các loài vùng lõi, theo địa hình, chúng tôi chia vùng lõi thành hai phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt (6.000 ha) và khu phục hồi sinh thái (1.100 ha). Các hiện trạng này có rừng, đất rừng, có lạch nước, có các bãi bồi giang triều thích hợp cho các họ chim lặn sinh sống và người dân được khai thác thủ công, bền vững như khuyến cáo của Công ước quốc tế Ramsar.

Không gian bay cho “vũ điệu Ramsar” ảnh 2

Khảo sát đầm nuôi trồng thủy sản quảng canh trong vùng đệm.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt) vào năm 1989. Năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đây là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Số lượng các loài chim ngày càng tăng là do nơi đây giữ được sinh cảnh và được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều này có được là nhờ các lực lượng chức năng cùng với người dân phối hợp nhuần nhuyễn, kiên quyết...

Ông Phan Văn Tiếp, Đội trưởng đội tự quản vùng đệm, cũng là hộ dân nuôi trồng thủy sản chia sẻ: Chung quanh khu vực này tuyệt đối không có nhà hàng bán chim, chim vào đầm hộ nào bị mắc lưới, đều phải báo anh em xuống cứu hộ... Các gia đình chủ yếu nuôi trồng theo hình thức quảng canh - một hình thức nuôi tự nhiên, thủy hải sản ăn phù du theo nguồn nước để sống. Năm vừa rồi ông Tiếp thả 400.000 tôm giống và ít cua.

- Thả chừng đó tôm giống, khi thu hoạch thì lãi to bác nhỉ?- Tôi liền hỏi.

- Mỉm cười, ông Tiếp chậm rãi: Không được mấy chú ạ. Thả 400.000, chỉ mong thu được 200.000 thôi.

Nếp sống khu vực vùng đệm im lìm, chỉ có tiếng chim kêu và xa xa là tiếng biển gầm với gió. Từ đầm nuôi tôm nhà ông Tiếp, sang đến nhà ông Trần Văn Thú, đi qua con kênh, cỏ dại lan dần trên các cống mở nước và hai ven đường. Khoảng 10 ngày nữa ông Thú sẽ tháo nước để thu hoạch vụ tôm.

Không gian bay cho “vũ điệu Ramsar” ảnh 3

Cò Thìa mặt đen (loài nguy cấp) ( biểu tượng của Vườn quốc gia Xuân Thủy).

Đất lành chim đậu, trong đầm của ông có nhiều loài kiếm ăn ban đêm, đi xuồng ra đó là chim bay toán loạn. Nhìn yên ắng vậy thôi, cứ tháo nước, là các loài chim tụ về. Ngập nước như thế này chim sẽ không đi mò thức ăn... Chiều qua, ông vừa đi học lớp huấn luyện cứu hộ các loài chim được tổ chức trên khu hành chính của Vườn. Trên tay ông Thú vẫn cầm tờ hướng dẫn, nhanh nhảu nói: “Bộ đội Biên phòng vừa phát cho tôi, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, không săn bắn các loài chim quý hiếm”.

Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy Doãn Cao Cường, chia sẻ: Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình của hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông Hồng; bảo tồn được các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, nhất là các loài chim nước, chim di trú; đồng thời thực hiện tốt các chương trình nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và giáo dục môi trường, qua đó, tạo nền tảng cho kinh tế địa phương phát triển bền vững. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Xuân Thủy đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất ven biển, chống xói mòn, sạt lở... góp phần điều hòa khí hậu, hạn chế tác động của thiên tai; là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thủy sinh, nhất là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Mặt trời lui dần. Ánh sáng nhàn nhạt lan trên cánh đầm nuôi tôm, hắt một vạt đỏ lừ trên lùm lá rừng phi lao. Xa xa, ngoài phía biển, từng đàn chim chao liệng tạo nên những vũ điệu Ramsar. Anh Dũng hào hứng nói: Chim đến thêm, số lượng hôm nay còn tăng. Ngày mai, anh em đi kiểm đếm số lượng, đi lấy mẫu phục vụ các nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu.