Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng dựa vào các cuộc thanh tra, kiểm tra để có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là vấn đề được các đoàn đại biểu Quốc hội, các cử tri quan tâm và gửi câu hỏi tới Thanh tra Chính phủ.
Thời gian qua, tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nói chung và tại doanh nghiệp nói riêng đã cơ bản được khắc phục; cá biệt còn một số cuộc có chồng chéo trong quá trình thực hiện cũng được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phối hợp xử lý kịp thời.
Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho biết: Hằng năm, Thanh tra Chính phủ tham mưu xây dựng Định hướng chương trình công tác thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó yêu cầu ngành Thanh tra thực hiện nghiêm và đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Kiểm toán Nhà nước sửa đổi và đã ban hành Quy chế phối hợp (Quy chế số 1618/QCPH: KTNN-TTCP ngày 23/9/2021 giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước) quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Do đó, thời gian qua, tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nói chung và tại doanh nghiệp nói riêng đã cơ bản được khắc phục; cá biệt còn một số cuộc có chồng chéo trong quá trình thực hiện cũng được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phối hợp xử lý kịp thời.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Thanh tra Chính phủ cho biết, tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động thanh tra, nhất là không để tồn đọng kế hoạch và triển khai dồn vào thời điểm cuối năm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các địa phương và doanh nghiệp.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước đang gặp nhiều thách thức phải vượt qua thì một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành thanh tra là cần hạn chế đến mức thấp nhất những chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc dư luận, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật; nhất là cần xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất phải ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải báo cáo thủ trưởng cùng cấp và thanh tra cấp trên biết để chỉ đạo. Không tùy tiện mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất…
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được các cơ quan chức năng tiếp tục đổi mới theo hướng khoa học hơn, hiệu quả tốt hơn, qua đó nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm toán, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.