Không cản trở kéo cáp dự án cáp treo Núi Sam, An Giang

NDO -

Chiều 29-12, TAND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết, cơ quan này đã ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời buộc bảy hộ dân không được tiếp tục có hành vi cản trở Công ty CP MGA thực hiện kéo cáp tuyến cáp treo trên đỉnh Núi Sam, thuộc dự án Khu du lịch cáp treo Núi Sam, phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. 

Dự án Khu du lịch cáp treo Núi Sam bị đình trệ, ngưng thi công nhiều tháng liền.
Dự án Khu du lịch cáp treo Núi Sam bị đình trệ, ngưng thi công nhiều tháng liền.

Quyết định số 06/KCTT ngày 24-12-2020 “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định tại điều 127 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015” được TAND TP Châu Đốc ban hành từ vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại, buộc tháo dỡ hàng rào, đòi tài sản và chấm dứt hành vi ngăn cản trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - ranh giới giữa các bất động sản”, do Công ty CP MGA là nguyên đơn.

Trước đó, Công ty CP MGA thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch cáp treo Núi Sam theo quyết định phê duyệt đầu tư số 1508/QĐ-UBND tỉnh An Giang ngày 1-2-2016 với nhiều hạng mục công trình dưới chân núi và trên đỉnh Núi Sam, trong đó có tuyến cáp treo từ chân núi lên đỉnh núi. Chủ đầu tư đã có các quyết định đầu tư, thiết kế bản vẽ và được cơ quan chức năng cấp phép, được giao đất, cho thuê đất xây dựng các trụ cáp từ T1 đến T6. Khi dự án đang trong quá trình thực hiện thì bảy hộ dân gồm: Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thu; Lê Văn Châu; Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Tấn Cường; Dương Văn Lề; Nguyễn Văn Ngọc; Dương Văn Phước (cùng ngụ TP Châu Đốc) ngăn cản, xảy ra xô xát.

Trong đó, trụ cáp T5 bị người dân tự ý rào lưới B40, các cáp mồi bị khóa vào cột, vào cây gần kề nên không thể kéo cáp. Lý do được các hộ dân trên đưa ra là phần trụ cáp T3 và T5 hoặc tuyến cáp treo đi qua phần đất của họ, việc xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến tài sản, đất đai của họ. Đồng thời yêu cầu Công ty MGA phải hỗ trợ bồi thường từ 250 triệu đến 4 tỷ đồng/người. Vụ việc cản trở khiến công trình kéo cáp bị đình trệ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng nên Công ty MGA tiến hành khởi kiện các hộ dân đến TAND TP Châu Đốc.

Thẩm phán Trịnh Thị Ngọc Hà, Phó Chánh án TAND TP Châu Đốc cho biết, quá trình thụ lý vụ án, Tòa án đã yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh An Giang kiểm tra, đo vẽ hiện trạng về đất, tài sản trên đất và áp vào hồ sơ dự án của Công ty MGA.

“Kết quả là tuyến cáp treo của MGA không ảnh hưởng đến quyền tài sản của các hộ dân trên. Tuyến cáp treo của MGA thực hiện trên những phần đất đã được chủ đầu tư bồi thường, được nhà nước giao đất, cho thuê đất và đất rừng đặc dụng của tỉnh An Giang. Các hộ dân đang tranh chấp nằm ngoài biên của tuyến cáp treo này”, thẩm phán Ngọc Hà khẳng định.

Theo kết quả xác minh của tòa án, tại trụ T3, bà Nguyễn Thị Thắm có lều trại tạm trên đất rừng đặc dụng, đã nhận tiền bồi thường về vật kiến trúc. Gần trụ T5 có Giác Hương cổ tự (không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam), do bà Nguyễn Thị Thu trông coi và đã đồng ý thỏa thuận nhận số tiền 270 triệu đồng của Công ty MGA để thuê khoảng không gian bên trên. Tuy nhiên, sau đó bà Thu “lật kèo” cho rằng mình không ký tên thỏa thuận.

Tòa án đã trưng cầu giám định chữ ký đến Phân viện Khoa học hình sự, thuộc Bộ Công an và xác định chữ ký trong biên bản thỏa thuận là của bà Thu. Ngày 21-12, Công ty MGA có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và được TAND TP Châu Đốc chấp thuận. Ngày 28-12, các bị đơn trên đã có đơn khiếu nại quyết định khẩn cấp tạm thời của TAND TP Châu Đốc. Ngày 29-12, Chánh án TAND TP Châu Đốc đã có quyết định số 07/KCTT giữ y quyết định khẩn cấp tạm thời số 06/KCTT ngày 24-12-2020.