Khơi thông nguồn lực đầu tư công

Vậy là chúng ta đã đi tới những ngày đầu của quý IV, quý cuối cùng của năm. Đây là quãng thời gian chạy nước rút, nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho cả một năm.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẵn sàng chờ hợp long. Ảnh: Bá Dũng
Cầu Mỹ Thuận 2 sẵn sàng chờ hợp long. Ảnh: Bá Dũng

Chín tháng năm 2023, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,24%. Sức phục hồi chưa được như kỳ vọng, nhưng mức tăng trưởng này của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới và trong khu vực. Đặc biệt, tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,08%; quý III tăng 5,33%). Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn trầm lắng, kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng bị tác động mạnh mẽ bởi khó khăn chung đó, thì đây chính là một kết quả khả quan.

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng tạo nên thành tựu nói trên chính là đầu tư công. Khi xuất-nhập khẩu gặp khó, công cụ này đã phát huy được vai trò là động lực chính trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Năm nay, nguồn vốn được giao lớn hơn rất nhiều so các năm trước, nhưng tổng số vốn giải ngân lại đạt tỷ lệ cao hơn. Theo đó, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so năm 2021. Tính đến ngày 30/9, tổng số vốn thanh toán đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%).

Để đạt được kết quả tích cực này, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo và đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là việc duy trì năm tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng để đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có tám bộ, cơ quan Trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt hơn 55% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa-Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%). Nguồn vốn đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, địa phương đạt kết quả tốt, vẫn còn tới 42 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là kết thúc năm 2023, song, một khối lượng rất lớn kế hoạch vốn cần được giải ngân để thực hiện mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt ít nhất 95%. Muốn vậy, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tích cực và chủ động của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan công tác đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ khâu kiểm đếm, giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh, chuyển vốn từ dự án triển khai chậm sang dự án giải ngân tốt nhưng thiếu vốn,… Hơn hết, đẩy mạnh giải ngân cần đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn.