Khôi phục vùng đay nguyên liệu giấy ở Long An

ND - Giải pháp nào để khôi phục vùng đay nguyên liệu cho Nhà máy bột giấy Phương Nam và bảo đảm quyền lợi cho những nông dân trồng đay tại Long An?

Do việc tổ chức thu mua đay với giá thấp hơn giá thành sản xuất, nông dân trồng đay bị lỗ đã ồ ạt triệt phá gần như toàn bộ vùng đay nguyên liệu 9.000 ha tại Long An khiến Nhà máy bột giấy Phương Nam do công ty Tracodi, Bộ Giao thông vận tải đầu tư gần 1.700 tỷ đồng phải ngừng lại khi chưa kịp đi vào hoạt động.

Năm 2003, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải Tracodi, thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với số vốn gần 1.700 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2006 dự án mới được khởi công tại ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa. Khi khởi công, Ban Quản lý dự án cho biết, nhà máy sẽ hoàn thành và hoạt động vào tháng 8-2007.

Chính vì những lời hứa chắc như "đinh đóng cột" của Nhà máy bột giấy Phương Nam, năm 2007, chính quyền địa phương Long An đã vận động nông dân các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh và Mộc Hóa trồng đay bán cho Nhà máy bột giấy Phương Nam làm nguyên liệu.

Nhà máy bột giấy Phương Nam cũng cử nhiều lượt nhân viên kỹ thuật đến gặp nông dân tuyên truyền, phổ biến cách trồng đay. Họ thuyết trình rằng đầu tư vào sản xuất cây đay đúng yêu cầu kỹ thuật thì năng suất đạt 50-60 tấn/ha. Với giá 250 đồng/kg đay nguyên liệu, nông dân có lãi 7-10 triệu/ha.

Nghe hấp dẫn, nhiều nông dân hưởng ứng. Diện tích trồng đay năm 2007 đạt gần 9.000 ha tăng gấp bốn lần so với năm 2006. Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tổ chức ký hợp đồng thu mua đay với nông dân nhưng lại không cam kết giá. Thực chất chỉ là tượng trưng vì hình thức hợp đồng rất lỏng lẻo. Thực tế, Phương Nam và nông dân Long An chỉ ký hợp đồng tiêu thụ được khoảng 600 ha đay.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa Nguyễn Văn Tịch cho biết, năm 2007 xã có 600 ha đay. Vốn đầu tư khoảng 12 triệu đồng/ha. Năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha, chỉ một số ít diện tích đạt 30 tấn/ha. Năng suất thực tế rất thấp so với con số của nhà máy Phương Nam đưa ra thuyết phục bà con, chỉ bằng 50%. Với năng suất thực tế trên và với giá thu mua 220-250 đ/kg, nông dân lỗ từ 5-7 triệu/ha, chưa tính chi phí vận chuyển đay từ ruộng đến nhà máy. Biết đã lâm vào thế bí, nhưng dù lỗ nông dân vẫn phải bán cho nhà máy Phương Nam vì đã lỡ trồng đay rồi. Ước tính nông dân Long An đã mất khoảng 40 tỷ đồng vì trồng đay.

Và không hiểu thực chất vì lý do gì, Nhà máy bột giấy Phương Nam đã không đi vào hoạt động theo đúng lộ trình đã được cam kết với nông dân. Dự án kéo dài đến năm 2009 mới có thể hoàn thành. Chưa đi vào hoạt động nên nhà máy chỉ thu mua đay cầm chừng. Nông dân không có nơi tiêu thụ. Một số chuyển sang bán đay sợi để đỡ bị trắng tay. Chỉ trong một năm, cây đay ở Long An vừa được phát động trồng tại các huyện Ðồng Tháp Mười để phát triển kinh tế đã bị chặt ồ ạt. Cây đay chưa kịp thời gian để chứng tỏ là cây xóa đói, giảm nghèo.

Nông dân thì bất bình trước cách làm ăn của Nhà máy bột giấy Nam Phương. Xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa có kế hoạch trồng 1.050 ha đay nhưng chỉ thực hiện được 500 ha. Tổng diện tích trồng đay năm 2008 tại Long An chỉ còn gần 1.700 ha. Ða số nông dân chuyển hướng trở về trồng lúa.

Theo hồ sơ dự án, để sản xuất được 100.000 tấn bột giấy/năm theo công suất thiết kế, Nhà máy bột giấy Phương Nam tiêu thụ khoảng 600.000 tấn nguyên liệu, đòi hỏi cần phải có vùng nguyên liệu khoảng 12.000 đến 15.000 ha. Như vậy nếu vùng nguyên liệu chỉ còn gần 1.700 ha như hiện nay, Nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ khó có thể tồn tại. 1.700 tỷ đồng đầu tư cho dự án, có nguy cơ bị "bay qua" cửa sổ.

Mới đây, để cứu vãn tình thế, Nhà máy bột giấy Phương Nam đã ra thông báo điều chỉnh giá mua đay lên 420 đồng/kg. Người trồng đay vẫn mang nặng ám ảnh thua lỗ trong suy nghĩ và ám ảnh về cách làm ăn thiếu tin tưởng của Nhà máy bột giấy Phương Nam. Mức giá này, nông dân có lãi nhưng họ đã mất lòng tin ở sự hợp tác nên vẫn quay lưng với nhà máy.

Ðể giải quyết thấu đáo những khúc mắc giữa nông dân và doanh nghiệp, trước mắt Nhà máy bột giấy Phương Nam cần thực hiện trách nhiệm của mình đối với những nông dân tham gia trồng đay nguyên liệu trong thời gian vừa qua bị thiệt hại do nhà máy chậm đi vào hoạt động.

Về lâu dài, hai bên cần có thiện chí thương lượng, hợp tác với nhau thực hiện lại hợp đồng trồng và bao tiêu đay nguyên liệu, trên cơ sở bình đẳng và bảo đảm cùng có lợi cho cả hai bên. Các cấp chính quyền tỉnh Long An cũng không thể thờ ơ trước những thiệt hại của nông dân như trong thời gian vừa qua. Chính quyền tích cực tham gia hỗ trợ công tác định hướng, quy hoạch phát triển, hỗ trợ vốn và hỗ trợ pháp lý cho nông dân và doanh nghiệp thực hiện tốt khế ước.

Lâu nay, nhiều địa phương thực hiện mô hình liên kết bốn nhà. Nhưng, dù ở đâu, trong trường hợp nào, doanh nghiệp cũng là người lợi nhất. Thiệt thòi vẫn thường rơi vào nông dân. Trường hợp cây đay ở Long An là một điển hình. Sự triệt phá vùng đay nguyên liệu của nông dân Long An có thể như một câu trả lời của nông dân với mô hình liên kết bốn nhà lỏng lẻo, khi doanh nghiệp luôn "nắm phần chuôi".

Ðã đến lúc cần có một cơ chế liên kết hợp tác mới, chặt chẽ giữa hai chủ thể là nông dân và doanh nghiệp. Trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro. Nông dân cần nâng tầm hợp tác, biết cách sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.