Ngày 25-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) ký kết Bản ghi nhớ về Chương trình lao động kỹ năng đặc định và Chương trình TTS kỹ năng.
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, Nhật Bản được coi là một trong bốn thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Đây là thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích, thu nhập bình quân của thực tập sinh (TTS) đạt khoảng 1.200 USD/tháng. Năm 2018 có hơn 68 nghìn TTS Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, nâng số lượng TTS kỹ năng nước ta phái cử lên khoảng 160 nghìn người. Việc Nam trở thành nước có số lượng TTS được phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử TTS sang Nhật Bản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việc tiếp nhận TTS Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản được thực hiện từ năm 1992 theo Biên bản hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức JITCO. Kể từ đó đến nay, dù vai trò có thay đổi, nhưng JITCO đã hỗ trợ và hợp tác tích cực với phía Việt Nam trong việc phái cử tu nghiệp sinh, TTS Việt Nam sang Nhật Bản.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị phía JITCO tiếp tục phối hợp chặt chẽ Cục Quản lý lao động ngoài nước và các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thực hiện phái cử TTS kỹ năng và lao động đặc định Việt Nam đến Nhật Bản mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin, tư vấn cho các tổ chức phái cử Việt Nam để nắm rõ các quy định của Nhật Bản.
Chủ tịch JITCO Hiroyuki Yagi cho biết, năm 2019, số TTS Việt Nam chiếm đến 50% số TTS của các nước sang Nhật Bản làm việc. Đồng thời, Nhật Bản cũng là thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang đưa lao động đến làm việc.
Theo ông Hiroyuki Yagi, tháng 4-2019, Nhật Bản chính thức thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng và lao động đặc định nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản. Do đó, chế độ kỹ năng đặc định mới này sẽ song hành với chế độ TTS kỹ năng đang triển khai, và là trụ cột mới trong hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Ông Hiroyuki Yagi cho biết thêm, trong chuyến công tác lần này, phía JITCO sẽ phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức Hội thảo để phổ biến thông tin về chương trình lao động kỹ năng đặc định cho các doanh nghiệp phái cử Việt Nam. Đây là dịp giúp các doanh nghiệp phái cử Việt Nam nắm rõ hơn về các quy định của Nhật Bản liên quan đến chương trình lao động kỹ năng đặc định.
Từ năm 1992, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ký Biên bản hợp tác với JITCO để phái cử tu nghiệp sinh, TTS sang Nhật Bản.
Năm 2017, sau khi Nhật Bản có luật mới về Chương trình thực tập kỹ năng, JITCO và Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ký Biên bản hợp tác để thúc đẩy, phối hợp quản lý việc đưa TTS kỹ năng Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản.
Nội dung chủ yếu của Biên bản hợp tác mới là hai bên hợp tác để thúc đẩy việc triển khai các chương trình TTS kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định. JITCO sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ Cục Quản lý lao động ngoài nước phổ biến và thúc đẩy các chương trình này ở Việt Nam; tư vấn cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản về việc bảo vệ TTS kỹ năng và lao động Việt Nam tại nước bạn.
* Lao động Việt Nam có thể sang Nhật làm việc trong ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn
* Lao động kỹ năng đặc định Việt Nam có thêm cơ hội sang Nhật