Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7

Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7

Tàu Thần Châu 7 sẽ được phóng lên quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy Long- March II- F từ sân bay vũ trụ Jiuquan ở tỉnh Gansu, phía tây bắc Trung Quốc.

Chuyến bay dự kiến sẽ kéo dài 70 giờ, trong đó có chuyến đi bộ trong vũ trụ lần đầu tiên của phi hành gia Trung Quốc. Phi công lái máy bay chiến đấu Zhai Zhigang, 42 tuổi là người có vinh dự và trọng trách này. Cùng thực hiện chuyến bay với anh, có hai nhà du hành vũ trụ nữa là Liu Boming and Jing Haipeng.

 

Kết thúc chuyến thám hiểm, tàu Thần Châu 7 sẽ đáp xuống khu tự trị Nội Mông ở phía bắc Trung Quốc.

Trung Quốc là nước thứ ba sau Mỹ và Nga tự đưa được người của mình lên vũ trụ. Vào tháng 10 – 2003, họ đã đưa phi công chiến đấu Yang Liwei vào quỹ đạo trên tàu Thần Châu 5.

Hai năm sau, hai nhà du hành vũ trụ khác của Trung Quốc là Fei Junlong và Nie Haisheng đã hoàn thành một chuyến bay kéo dài 5 ngày trên tàu Thần Châu 6.

Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho biết, chuyến bay này chính là bước quan trọng nhất trong chương trình vũ trụ ba bước của đất nước này. Ba bước đó là: đưa người vào quỹ đạo, kết nối các tàu vũ trụ với nhau để tạo ra một phòng thí nghiệm nhỏ và bước cuối cùng là xây dựng một trạm vũ trụ lớn.

Một số cột mốc trong hàng không vũ trụ Trung Quốc:

- 1958: Xây dựng căn cứ vũ trụ ở Jiuquan trên sa mạc Gobi.

- Tháng 4- 1970: Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ.

- Từ 1990 – 2002: Phóng tàu Thần Châu từ 1 đến 4 để phát triển hệ thống.

- Tháng 10- 2003: Lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ trên tàu Thần Châu 5.

- Tháng 10- 2005: Đưa 2 người lên vũ trụ trên tàu Thần Châu 6.

- Tháng 10- 2007: Phóng vệ tinh không người Hằng Nga 1 thám hiểm mặt trăng.

Tàu Thần Châu 8 và Thần Châu 9 dự kiến sẽ giúp tạo ra một phòng thí nghiệm vũ trụ phức tạp vào năm 2010.

Trung Quốc đã phóng một tàu thám hiểm mặt trăng không người lái vào năm ngoái, chỉ một tháng sau khi Nhật Bản phóng tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng do chính họ thiết kế.