Những bạn trẻ và CLB thiên văn đầu tiên ở Việt Nam

CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (Vietnam Amateur Club of Astronomy- VACA) thành lập từ 29-03-2002, đến nay VACA đã thu hút được hơn 1.000 thành viên trên khắp cả nước. Hằng tháng, tại Hà Nội, CLB thường có một buổi họp mặt để trao đổi tư liệu bàn bạc những điều họ chưa thể nói hết trong thời gian online tại hai địa chỉ: Box Thiên văn của trang web TTVN (Trí tuệ Việt Nam) và http://www.thienvanvietnam.com.vn.

CLB cũng nhận được sự tham gia của các nhà Vật lý thiên văn trong Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam như: Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Phan Văn Đồng - Thư ký Hội, Nguyễn Phúc Giác Hải - BCH Hội, GS Đặng Mộng Lân...

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch CLB cho biết: "Khó khăn nhất với CLB là về nhân sự; hoạt động của VACA mới dừng lại ở trao đổi học hỏi trên tinh thần tự nguyện. Các thành viên đều là sinh viên, học sinh, già nhất cũng đều là thế hệ 8X. Từ duy trì tài chính cho đến hoạt động của CLB đều một tay các bạn trong Ban quản trị lo liệu".

Được sự ủng hộ của các thành viên Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam, CLB cố gắng trở thành một Hội chính thức. Mong muốn của các thành viên là có thể "danh chính ngôn thuận" tổ chức các hoạt động nghiên cứu trao đổi về Thiên văn học trong nước cũng như bên ngoài.

Say mê bầu trời

Đặng Vũ Tuấn Sơn, SV Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, hào hứng kể về những ngày nhỏ, nằm một mình ngắm trời đầy sao. Cái duyên dẫn cậu đến với thiên văn là vào năm lớp 9 tại Nam Định, Tuấn Sơn tóm được quyển sách của tác giả Phạm Viết Trình, cố Chủ tịch Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam. "Hồi đó mình rất nhát, đi ra ngoài tối còn sợ. Tình cờ, người bạn đưa cho quyển sách đã mất cả bìa, cũ rích, rách nhiều chỗ viết về thiên văn. Như bắt được vàng, mình đọc ngấu nghiến và bắt đầu săn lùng những sách thiên văn khác. Từ đó không thể nhớ bao nhiêu đêm mình đã thức trắng làm bạn với "chị Hằng".

Như Phúc, Tuấn, Ngọc Anh đều đang học lớp phổ thông nhưng đã thích ngắm sao từ khi còn nhỏ xíu. Bắt đầu từ niềm say mê "một ông sao sáng, hai ông sáng sao", cậu bé Văn Tuấn (lớp 10 Trường THPT Việt Đức) đã miệt mài dịch những tài liệu chuyên ngành thiên văn học để chia sẻ với các bạn trong CLB.

Còn Ngọc Anh - một trong số không nhiều thành viên nữ của CLB tâm sự: "Nhiều khi em muốn được đến một nơi nào đó vắng vẻ, không quá nhiều ánh đèn để ngắm sao. Nhưng là con gái nên cũng không dám đến những nơi vừa tối lại vừa vắng. Em hay lên sân thượng ngắm bầu trời và tìm hiểu các kiến thức về vũ trụ qua trang web của CLB".

Trần Quốc Thắng (kiến trúc sư) nổi tiếng với niềm say mê kính thiên văn. Anh đã chế tạo và sưu tập, trao đổi đến cả trăm chiếc kính. Ngoài ra, mọi người có nhu cầu tự tạo một chiếc kính thiên văn cho mình đều được các thành viên kỳ cựu của VACA giúp đỡ. Với số tiền chỉ khoảng 50.000 đồng, bạn có thể tự chế cho mình một chiếc kính thiên văn, với độ phóng đại 30 lần, độ phân giải có thể quan sát mặt trăng, bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc - Jupiter, các hành tinh Sao Kim (Venus), Sao Hỏa (Mars); Sao Thổ (Saturm)...

Dù mỗi người một ngành nghề khác nhau nhưng Tuấn Sơn (SV ĐH Kiến trúc), Bùi Dương Hải (GV ĐH Kinh tế quốc dân), Trần Tuấn Tú (cán bộ Trường ĐH Bách khoa)... đều chung niềm say mê bầu trời. Và rồi, họ chung tay xây dựng một CLB Thiên văn đầu tiên ở Việt Nam.

Dốc sức làm từ điển Thiên văn học

Từ đầu năm 2006, Đặng Vũ Tuấn Sơn (chủ biên) và các cộng sự Trần Tuấn Tú, Bùi Dương Hải, Trần Quốc Thắng, Nguyễn Trần Phú đã bắt tay vào viết Từ điển Thiên văn học . Cuốn từ điển sẽ giải thích khoảng 6.000 từ và thuật ngữ thiên văn. Nhóm đã tham khảo nguồn tài liệu của nước ngoài, của NASA, CNRS, World Space Week...

Hiện bản thảo của cuốn từ điển đã được chuyển đến các thành viên lão thành của Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam góp ý. Theo tiến độ, khoảng giữa năm 2007, cuốn từ điển sẽ được hoàn thành. Phải chăng, đây là một trong những nỗ lực của các bạn trẻ nhằm chinh phục những bí ẩn của tri thức vũ trụ và từng bước xoá đi chữ "nghiệp dư" (amateur) trong tên gọi CLB?

Ở Việt Nam hiện vẫn chưa một trường ĐH nào có khoa Thiên văn học, cũng chưa có một trung tâm nào chuyên nghiên cứu ngành khoa học đã có lịch sử lâu đời này. Cho đến nay Hội Thiên văn và Vũ trụ Việt Nam do các nhà Vật lý thiên văn hàng đầu tự thành lập cũng chưa có trụ sở. Khi còn quá nhiều những việc phải lo cho cuộc sống "dưới mặt đất" thì những người theo đuổi niềm say mê bầu trời có phải quá viển vông?

Anh Trần Tuấn Tú (thành viên CLB) trả lời chúng tôi bằng lời một bài hát: "Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông". Khi niềm say mê được đặt đúng chỗ những người trẻ này đã nhận ra: Khoa học không hề khô khan, trái lại rất lãng mạn.

- Các bạn muốn tìm hiểu lĩnh vực thiên văn có thể truy cập vào 2 địa chỉ trên và liên hệ với Chủ tịch VACA Đặng Vũ Tuấn Sơn: 0915 301 116, Email: darkking@yahoo.com.

- Một số địa chỉ website thiên văn trên thế giới: www.nasa.gov; www.space.com; www.dibosmith.com; www.learnwhatsup.com; www.astro.uiuc.edu.

- Có thể xem và mua kính thiên văn ở: www.kinhthienvan.com.