Khó khăn trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế

Những năm gần đây, nền tảng dữ liệu phong phú và sự lớn mạnh của đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao đã giúp các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế còn hạn chế do nguồn dữ liệu chưa được chuẩn hóa và việc chia sẻ dữ liệu chưa rõ ràng.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sử dụng kính vi phẫu để phẫu thuật cho bệnh nhân động kinh.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sử dụng kính vi phẫu để phẫu thuật cho bệnh nhân động kinh.

Thời gian qua, các nghiên cứu, công bố ứng dụng của AI trong ngành y tế đã được thực hiện và trao đổi qua nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế, bước đầu góp phần định hướng phát triển các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng ngành y tế. Có nhiều tập đoàn lớn, công ty khởi nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển các hệ thống thông minh dựa trên nền tảng AI và đã ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, trong đó có y tế. Thí dụ, Viettel đã hoàn tất thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để ra mắt các giải pháp phân tích và chẩn đoán bất thường qua ảnh siêu âm, hỗ trợ người bệnh và các bác sĩ. Hiện nay, Viettel tập trung phân tích bất thường trong hệ thống tiêu hóa là lĩnh vực quan tâm ở Việt Nam nhưng lại thiếu giải pháp của nước ngoài. Công ty Five9 đã triển khai giải pháp y tế thông minh, tiếp thu và làm chủ phần mềm IBM Watson trong chẩn đoán và điều trị ung thư, phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam. Giám đốc khối y tế Công ty Five9 Phạm Huy Triều cho biết, thử nghiệm hệ thống IBM Watson tại một số bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tương đồng khá cao giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của hệ thống đưa ra, đơn cử như: Bệnh viện K là 84,5%; Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh là 80,3%... Thực tế thử nghiệm cho thấy, hệ thống có cơ sở dữ liệu lớn đã được kiểm định, giúp bác sĩ cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế sai sót trong quá trình điều trị. Hệ thống đưa ra các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn và giúp nâng cao trình độ bác sĩ trẻ, bác sĩ tuyến dưới do dữ liệu được cập nhật liên tục.

Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse (Pháp), AI đang làm thay đổi toàn bộ thế giới về mọi mặt, trong đó y tế chính là một trong các lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI nhất, phát triển mạnh nhất, làm thay đổi toàn bộ mặt ngành y tế trong những năm tới. Dự báo, thị trường AI y tế sẽ tăng từ 2,1 tỷ USD vào năm 2018 lên 36 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm khoảng 20% toàn bộ thị trường AI. Khi AI được ứng dụng sâu trong y tế sẽ có sổ y tế điện tử, bệnh án điện tử, khám bệnh điện tử, y tá ảo… Qua đó sẽ có những hoạt động theo dõi, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp hằng ngày, phòng bệnh, phát hiện sớm một số bệnh như tim mạch, ung thư, chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích ảnh y tế, tạo ra các phác đồ điều trị, mổ bằng rô-bốt... Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cũng cho rằng, trong xu thế phát triển chung, việc ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh là cần thiết, phù hợp và hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

AI hoạt động hiệu quả phụ thuộc lớn vào nguồn dữ liệu, nhưng dữ liệu y tế ở nước ta tuy nhiều nhưng lại bị phân tán ở các hệ thống khác nhau và thiếu tính liên kết. Các cơ sở khám, chữa bệnh lưu trữ dữ liệu riêng, chưa chuẩn hóa dữ liệu hoặc lưu trữ theo phương pháp truyền thống. Việc chưa chuẩn hóa dữ liệu sẽ gây khó khăn trong việc tích hợp, liên thông và chia sẻ dữ liệu trong tương lai. Dữ liệu y tế sẽ mang lại tiềm năng phát triển đối với AI và máy móc, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng in-tơ-nét vạn vật và các hoạt động tự động, trợ lý ảo… Do đó cần chuẩn hóa các hoạt động y tế khi số hóa dữ liệu để có được dữ liệu sạch và tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, sử dụng, chia sẻ dữ liệu. Các bệnh viện nếu không có những phương án để triển khai sớm AI vào hoạt động khám, chữa bệnh sẽ khó có thể bắt kịp được những mô hình khám bệnh mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù AI sẽ có những tác động lớn với ngành y tế, nhưng AI không thể thay thế được đội ngũ bác sĩ, y tá mà sẽ khiến cho những người hoạt động trong ngành y phải thay đổi cách làm việc, sử dụng AI hiệu quả hơn.

Để AI được ứng dụng rộng rãi trong ngành y tế, cần giải quyết sớm những khó khăn đang là rào cản trong thực tế như: thiếu các trường hợp nghiên cứu để làm dữ liệu khi nhiều đơn vị không chia sẻ dữ liệu hoặc chưa muốn ứng dụng AI vào hoạt động khám, chữa bệnh; nhiều ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của AI trong khám, chữa bệnh. Về lâu dài, cần có những chính sách đào tạo về AI và các thuật toán, đồng thời có cơ chế, chính sách rõ ràng để ứng dụng AI vào các lĩnh vực cụ thể.