hững ngày cuối tháng Chạp, gia đình bà Nguyễn Thị Tới ở ấp Phước Bình, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại chuẩn bị đón cái Tết cuối cùng trong căn nhà mới xây. Sau Tết, căn nhà này nằm trong mặt bằng phải bàn giao cho đơn vị thi công dự án cầu Ba Lai 8.
Sau mấy chục năm tích góp, năm 2022, gia đình bà Tới mới xây dựng được căn nhà kiên cố như vậy. Chưa ở được bao lâu thì hay tin phải đập bỏ phần lớn căn nhà nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 57B buôn bán rất thuận lợi này nhường cho dự án.
Bà Tới cho biết: "Vì lợi ích chung, gia đình tôi đồng tình giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Tôi cũng vận động con gái ở kề bên chấp nhận cho kiểm kê, nhận tiền bồi thường. Tổng cộng, gia đình tôi mất gần 500 m2 đất ngay mặt tiền quốc lộ cũng buồn lắm, nhưng phải chung sức vì sự phát triển chung của địa phương". Hiện, gia đình bà Tới đã nhận xong tiền bồi thường và xin ở "nán" lại căn nhà đến sau Tết sẽ bàn giao cho đơn vị thi công.
Gần đó, gia đình ông Lê Thạch Sanh cũng bị giải tỏa trắng 1.100 m2 đất mặt tiền quốc lộ đã được san lấp mặt bằng, chuẩn bị lên thổ cư để xây dựng cửa hàng kinh doanh. Ông Sanh cho biết: "Khi hay tin dự án đi qua phần đất của mình, gia đình tôi cũng buồn lắm.
Chính quyền tổ chức họp dân thông tin thu hồi đất, hầu hết người dân đều đồng thuận bàn giao mặt bằng để nhanh chóng thực hiện dự án. Gia đình tôi được bồi thường khoảng 2,9 tỷ đồng sát với giá nhà đất trên thị trường, đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng để mua đất nơi khác, xây nhà ổn định cuộc sống"…
Tại huyện Bình Đại, dự án cầu Ba Lai 8 đi qua đã ảnh hưởng 97 trường hợp với diện tích thu hồi đất 36,47 ha, chiều dài tuyến 10 km. Địa phương đã công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ 86 trường hợp với 24,7 ha; còn 11 trường hợp đất canh tác rừng chờ Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho ý kiến thực hiện.
Đến nay, có 78 trường hợp đồng ý, 8 trường hợp chưa đồng ý và yêu cầu kiểm đếm lại, phát sinh tài sản gắn liền trên đất, hỗ trợ tái định cư... Huyện Bình Đại đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 86 trường hợp với số tiền hơn 114 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai, qua vận động, đa số người dân đều đồng tình nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Số ít hộ chưa đồng ý nhận tiền, huyện sẽ tiếp tục đối thoại, vận động để nhanh chóng giải phóng toàn bộ mặt bằng.
Tại huyện Ba Tri, dự án cầu Ba Lai 8 đi qua có 36 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi hơn 10 ha. Theo Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri, hầu hết người dân có đất trong vùng dự án đều đồng tình chủ trương xây dựng cầu Ba Lai 8.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Tri tổ chức kiểm kê đất đai, điều tra nhân khẩu, thu thập thông tin phục vụ cho việc áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Trên cơ sở giá đất cụ thể đã được phê duyệt, khẩn trương tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để tổ chức công khai ra dân với kinh phí hơn 26 tỷ đồng...
Trước đó, vào tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 và khởi động dự án đường ven biển kết nối liên hoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng các tỉnh trong khu vực. Tổng mức đầu tư của dự án 2.255 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.499,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương đối ứng 755,2 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đánh giá, dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyến đường này tạo kết nối giao thông liên vùng, trục giao thông huyết mạch ven biển, kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam; kết nối giao thông liên hoàn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án. Khi hoàn thành các công trình cầu, đường trên toàn tuyến, tiềm năng vùng đất ven biển sẽ được khai thác, có cơ hội trở thành khu vực kinh tế sôi động với các ngành công nghiệp, năng lượng, du lịch, dịch vụ… Từ đó, sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tỉnh Bến Tre và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.