Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Italia

NDO -

Những tác phẩm độc đáo kết hợp giữa nghệ thuật gốm Bát Tràng với văn hóa Italia của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng (làng Bát Tràng, Hà Nội) đã khiến cho người xem ngỡ ngàng bởi sự tinh tế, khéo léo và kỳ công. Bộ tác phẩm gồm 12 chiếc giày theo phong cách Italia được làm bằng gốm hiện đang được trưng bày tại Casa Italia (số 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội).

Anh Vũ Khánh Tùng (trái) bên tác phẩm của cha mình để lại.
Anh Vũ Khánh Tùng (trái) bên tác phẩm của cha mình để lại.

Đây là lần đầu tiên trọn vẹn bộ 12 chiếc giày này được giới thiệu tới công chúng, trong đó, một số chiếc đã từng được giới thiệu tại Đẹp Fashion show 2011. Bộ sưu tập giày này là di sản của Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng, với quá trình làm rất cầu kỳ, công phu, tinh xảo, kết hợp gốm với nhiều loại vật liệu truyền thống khác nhau, làm nên nét đặc sắc của văn hóa Việt với phong cách thời trang Italia.

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Giày được cẩn kén tằm và hạt gỗ.

Buổi triển lãm mang ý nghĩa là cây cầu nối nghệ thuật giữa Việt Nam và Italia, với các yếu tố cổ điển của Việt Nam như họa tiết gốm sứ và màu men, các loại chất liệu như đài sen, kén tằm, bạc chạm, hạt gỗ kết hợp với kiểu dáng và phong cách sang trọng của thời trang Italia. Không gian triển lãm được bài trí độc đáo với những cây cột trưng bày kết hợp giữa hình ảnh lò gốm Bát Tràng và tháp nghiêng Pisa.

Tại triển lãm, Đại sứ Italia Antonio Alessandro nói: “Bộ sưu tập 12 chiếc giày gốm là những tài sản vô giá của nghệ thuật đương đại Việt Nam và lấy cảm ứng từ thời trang Italia. Tôi tin rằng đây cũng là bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ hình dáng của Italia vì Italia được mệnh danh “đất nước hình chiếc ủng”. Thời trang Italia cùng với nghệ nhân thủ công Việt Nam có khoảng cách xa xôi về địa lý nhưng đều có sự tương đồng, là sự giao thoa giữa phong cách lịch lãm của thời trang Italia và sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công Việt Nam. Cả hai yếu tố này đều bắt nguồn từ truyền thống, di sản văn hóa của hai quốc gia”.

Những chiếc giày này được nghệ nhân Vũ Thắng lúc sinh thời tạo tác rất công phu, tỉ mỉ, với thời gian thực hiện lên tới nửa năm. Mỗi chiếc giày mang một vẻ đẹp khác nhau, từ gốm men ngà hoa chàm, men lam, hoa khắc chìm, men xanh ngọc, sử dụng kỹ thuật chồng màu, chồng men…

giay_kg-1649587247483.jpg
 Chiếc giày mang họa tiết cá chép với tích "Lý ngư vượt long môn".

Mỗi chiếc giày đều mang một vẻ đẹp riêng, được tạo ra từ những kỹ thuật khác nhau, biến đổi tùy theo sự thay đổi của các lớp men, kỹ thuật chồng men hoặc vẽ hoa, khắc họa tiết chìm, cho nên đều là độc bản. Kỹ thuật tạo nên những chiếc giày này vô cùng công phu, thí dụ như loại gốm men ngà truyền thống, vẽ tay trực tiếp trên xương gốm cho màu chàm cổ thấm trên gốm, sau đó mới phủ một lớp men trắng ngà. Hay gốm men xanh ngọc sử dụng kỹ thuật khắc chìm và kỹ thuật chồng màu. Giày được tráng một lớp men, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác. Do sự chuyển màu ngẫu nhiên giữa các màu men mà sản phẩm trở thành độc bản. Hoặc cách tráng nhiều lớp men để tạo độ đậm nhạt.

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Đôi giày hoa đào nhận kỷ lục Guiness.

Đặc biệt trong số này, đôi giày mang hình hoa đào trên nền men lam chồng nhiều màu được đánh giá là kỹ thuật bậc thầy về chồng men, từng được tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam cấp bằng công nhận là đôi giày gốm lớn nhất Việt Nam năm 2012. Đôi giày được tạo bằng gốm men lam, được tráng một lớp men, khắc họa tiết sau đó chồng thêm nhiều lớp men khác. Màu sắc trên giày ẩn hiện lớp lớp biến ảo mà vẫn giữ được độ trong, họa tiết hoa đào sống động và tươi tắn.

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Giày họa tiết "sóng thủy tam".

Các họa tiết và vật liệu cho bộ giày đều được nghệ nhân sử dụng theo truyền thống. Cố nghệ nhân Vũ Thắng đã dùng nhiều họa tiết trang trí của văn hóa truyền thống Việt Nam, như “long cuốn thủy” (rồng hút nước) lấy cảm hứng rồng thời Trần, hay họa tiết cá chép lấy cảm hứng từ tích “lý ngư vượt long môn”, họa tiết sóng thủy tam tượng trưng cho sự tiếp nối nau giữa các thế hệ, họa tiết hoa sen và hoa dây lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu thời Lý-Trần thế kỷ 11-14, họa tiết bách hoa lấy ý từ câu “nhân sinh bách nghệ” tượng trưng cho các ngành nghề của Việt Nam, họa tiết “long hý thủy” tượng trưng cho tinh thần hướng về nguồn cội, với họa tiết rồng thời Nguyễn…

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Chiếc giày kết hợp đài sen, hạt gỗ và kén tằm.

Cùng với chất liệu gốm, cố nghệ nhân Vũ Thắng còn chứng tỏ bàn tay điêu luyện của mình khi kết hợp các tác phẩm với những sợi bạc kéo mỏng, chạm khắc tinh xảo, những đài sen khô, hạt gỗ, kén tằm phủ sơn mài…

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Bạc cẩn trên cổ giày.

Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng Vũ Khánh Tùng (con trai cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng) cho biết, anh muốn đem những tác phẩm đương đại mang phong cách truyền thống này đến gần hơn với công chúng. “Ngoài 12 chiếc giày gốm này, bố tôi còn để lại hàng nghìn tác phẩm khác trong suốt 50 năm làm nghề. Có những tác phẩm ông giữ tới hàng chục năm, ai hỏi ông cũng không bán mà để gìn giữ cho bảo tàng”.

Khi gốm Bát Tràng “kết duyên” cùng văn hóa Ý -0
 Giày họa tiết rồng.

Anh Vũ Khánh Tùng cũng cho biết đây là bước khởi động đầu tiên cho các kế hoạch hoạt động sắp tới của Bảo tàng. Đây là hoạt động mang yếu tố giao lưu văn hóa, mang đến cho công chúng những triển lãm chất lượng cũng như những sản phẩm độc đáo mà Bảo tàng đang sở hữu. Bởi vì ngoài 12 chiếc giày này, vẫn còn hàng nghìn tác phẩm độc đáo mà cố nghệ nhân Vũ Thắng để lại. Những sản phẩm này được ông giữ lại để truyền cảm hứng nghệ thuật cho con cháu chứ không mang tính thương mại. “Đó là con đường ông chọn và tôi cũng đang đi theo con đường ấy” - anh Vũ Khánh Tùng nói.

Triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng & Cuộc dạo chơi cùng Văn hóa Ý”

Thời gian: từ 9 đến 20 giờ hằng ngày từ 10/4 - 3/5

Địa điểm: Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Mở cửa tự do hằng ngày