Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn là vùng trũng của cả nước, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những nguyên nhân cơ bản là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và khu vực còn yếu, chưa đồng bộ.
Nhiều ý kiến của bộ, ngành, chuyên gia cho rằng, để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững thì chìa khóa chính là đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển vùng.
Và đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng chính là "đường băng" giúp Tây Nguyên cất cánh.
Từ hiện trạng đến quy hoạch
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận (Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ...) không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, nhất là đường sắt vận tải hàng hóa; chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.
Hiện, hệ thống đường bộ tại Tây Nguyên có 19km đường cao tốc và hơn 3.110km đường quốc lộ nối với các tỉnh duyên hải miền trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ và thông thương với Đông Bắc Campuchia, Nam Lào qua các tuyến quốc lộ 18B, 78.
Giai đoạn vừa qua, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư khoảng 95.655 tỷ đồng, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, các trục ngang kết nối mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay, do vậy chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.
Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, vấn đề liên kết vùng, lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực đã được đặt ra và được coi là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Tây Nguyên.
Lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên cũng thấu hiểu điều này, vì vậy, khi đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết 23, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho rằng, các địa phương cần xác định tư duy liên kết chính là bộ phận không thể tách rời của tư duy phát triển.
Cần huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, nhất là hệ thống cao tốc, đường hàng không, tạo đột phá chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên.
Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, đánh giá quy hoạch ngành giao thông vận tải, căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có Tây Nguyên, để xây dựng quy hoạch tốt nhất.
"Các quy hoạch chuyên ngành quốc gia đã được tích hợp trong quy hoạch vùng Tây Nguyên và các địa phương sẽ tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Do vậy, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thật sự là tiền đề, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin.
Quy hoạch giao thông vận tải vùng Tây Nguyên được nghiên cứu dựa trên tiềm năng, lợi thế và nhất là điều kiện tự nhiên đặc thù của Tây Nguyên, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về năng lực vận tải.
Trong đó, tập trung các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, an toàn, nhằm rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang này, như kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, Lào, Campuchia, thông qua 4 trục ngang cao tốc: Từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) kết nối với Cảng biển Quảng Nam, Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) kết nối với Cảng biển Quy Nhơn (Bình Định), Cảng hàng không Chu Lai; từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến Cảng biển Quảng Nam và từ Đắk Lắk - trung tâm vùng Tây Nguyên xuống Cảng biển Nam Vân Phong, Cảng hàng không Cam Ranh (Khánh Hòa).
Kết nối vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ thông qua 5 tuyến trục dọc cao tốc: Từ Quy Nhơn (Bình Định)-Pleiku (Gia Lai); từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Chơn Thành (Bình Phước); từ Chơn Thành đến Đức Hòa (tuyến N2); từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng) và Cảng hàng không Liên Khương; các tuyến bắc-nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi-Pleiku, Pleiku-Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột-Gia Nghĩa).
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156 nghìn tỷ đồng.
Cao tốc sẽ giúp Tây Nguyên cất cánh
Trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị xác định rõ quan điểm: "Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng" và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với vùng là "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế".
Với mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế… tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương vùng Tây Nguyên phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế đông-tây, bắc-nam, giao thông kết nối vùng.
Thủ tướng nhấn mạnh, giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hóa-xã hội tương ứng; đường đi đến đâu văn minh đến đấy.
Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, càng hàng không nội địa và quốc tế.
Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng, như tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương; mở rộng, nâng cấp Cảng hảng không Liên Khương lên cấp 4E và Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt phục vụ khách du lịch.
Nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc bắc-nam phía tây (Ngọc Hồi-Pleiku, Pleiku-Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột-Gia Nghĩa), tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng-Kon Tum-Gia Lai-Đắk Lắk-Đắk Nông-Bình Phước).
Trong các tuyến cao tốc đã được quy hoạch tại vùng Tây Nguyên, hiện tuyến Dầu Giây-Liên Khương và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đang được các địa phương gấp rút triển khai các điều kiện để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Hiện dự án Tân Phú-Bảo Lộc thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, đang được tỉnh Lâm Đồng nỗ lực hoàn tất các thủ tục theo quy định để có thể khởi công trong năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhận định, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương sẽ tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng. Đây là dự án trọng điểm có quy mô lớn, nhiều tác động theo hướng tích cực, tạo động lực cho các nhà đầu tư hướng đến nhiều dự án chiến lược.
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, đang được tỉnh Đắk Lắk đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 để kịp khởi công dự án đúng tiến độ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, địa phương phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn thành đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với ba tuyến cao tốc kết nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hòa, Lâm Đồng và Phú Yên; trong đó, Đắk Lắk đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa và phối hợp các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư bốn dự án giao thông liên kết vùng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua, đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, đời sống nhân dân được nâng cao, đồng thời tạo thế và lực mới cho các địa phương.
Điều đó cũng là ước vọng, khát khao của chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên.