Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Y tế Đào Hồ Lan, khẳng định, lĩnh vực khám, chữa bệnh là một trong hai trụ cột chuyên môn quan trọng nhất của ngành Y tế.
Qua 70 năm xây dựng, phát triển, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đã khẳng định vị trí trọng yếu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử, với các tên gọi khác nhau nhưng vẫn với chức năng, nhiệm vụ là chỉ đạo công tác khám, chữa bệnh của ngành Y tế; tham mưu Bộ Y tế trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo chuyên môn. Cục đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quan trọng, tiêu biểu như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các Quy chế, Pháp lệnh và nhiều văn bản dưới Luật khác; triển khai nhiều Đề án góp phần nâng cao năng lực hệ thống khám, chữa bệnh các tuyến, nhất là tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Mặt khác, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, mở rộng mạng lưới bệnh viện, giường bệnh cả ở khu vực nhà nước và tư nhân; giải quyết tình trạng quá tải, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh; thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đáng chú ý, hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập được phát triển rộng khắp; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ; kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế có bước chuyển biến tích cực.
Việt Nam được coi là một trong những điểm sáng trong triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh chuyên sâu, mang tầm quốc tế, không thua kém các nước phát triển; nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa do chính các bác sĩ Việt Nam hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới.
Hệ thống đã đổi mới phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện, từ việc triển khai thí điểm 83 tiêu chí chất lượng năm 2013, đến năm 2023 thì nội dung đánh giá, công nhận chất lượng đã được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc đổi mới này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các bệnh viện trên toàn quốc đa số đã triển khai áp dụng và tích cực cải tiến. Thành quả lớn nhất chính là niềm tin và sự hài lòng của người bệnh và 100 triệu người dân vào hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam.
Chặng đường sắp tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác có nguy cơ xâm nhập, bùng phát cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng, đòi hỏi cả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh cần nỗ lực hơn nhiều nữa. Do vậy người đứng đầu ngành y tế đề nghị hệ khám chữa bệnh trong cả nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khám, chữa bệnh, hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn Luật khám bệnh, chữa bệnh. Hoàn thiện xây dựng Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản như Luật đã quy định. Nâng cao chất lượng không chỉ về mặt quản lý mà cần quan tâm chú trọng chất lượng lâm sàng, chất lượng các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật.
Quan tâm phát triển toàn bộ các lĩnh vực như cấp chứng chỉ hành nghề, điều dưỡng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng, giám định, đặc biệt là công tác an toàn người bệnh. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện người bệnh.
Tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm.
PGS TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám bệnh, chữa bệnh phát biểu tại buổi lễ |
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam tăng từ 883 bệnh viện (năm 2004) 1.552 bệnh viện (năm 2023). Từ một nền y học còn lạc hậu, gặp nhiều khó khăn, đến nay đã có những bước phát triển vượt bậc, ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới như các kỹ thuật phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi; phẫu thuật nội soi nhi khoa; ghép giác mạc; các kỹ thuật can thiệp tim mạch; thụ tinh trong ống nghiệm; ghép tạng, ghép tế bào gốc, ghép đa tạng lấy từ người cho chết não; kỹ thuật mổ cột sống có sử dụng Robot; kỹ thuật cấy tim nhân tạo; kỹ thuật sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư…
Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới. Các kỹ thuật này đã và đang tiếp tục được chuyển giao từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến trên tới bệnh viện các địa phương trong cả nước.