Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi:

Khán giả đang trở lại

Ít nhiều những tín hiệu vui đã được phát ra từ hoạt động của đời sống sân khấu TP Hồ Chí Minh, sau rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh vừa thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu do Phó Chủ tịch Hội, NSƯT Trịnh Kim Chi (ảnh bên), phụ trách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng chị về những mục tiêu lớn của Trung tâm nói riêng, của Hội nói chung góp phần hồi phục hoạt động sân khấu.
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả đang trở lại

Hy vọng hiện thực hóa những ước mơ

- Thưa chị, có lẽ việc thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu TP Hồ Chí Minh cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định trước nhiều thách thức, như sự thiếu hụt đội ngũ làm nghề, sự quay lưng của khán giả…?

- Thực tế lại không hoàn toàn như vậy (cười)! Khó khăn khi thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu TP Hồ Chí Minh là không đáng kể.

Sân khấu Thành phố thiếu rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Do đó, việc thành lập Trung tâm sẽ bổ sung nhân lực diễn viên, biên kịch cho sân khấu phía nam. Trung tâm nhận được sự ủng hộ của các thầy, các cô là các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó nhiều người còn làm "ông bầu", "bà bầu" của sân khấu tư nhân. Bản thân tôi đang duy trì một sân khấu tư nhân, thành lập năm 2015 và đây sẽ đồng thời là một môi trường để các học viên thực tập nghề nghiệp, tiếp cận dần với khán giả trong suốt quá trình đào tạo của Trung tâm... Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ có cơ hội chính thức làm việc tại các sân khấu tư nhân để bắt đầu sự nghiệp của mình.

Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu Thành phố là một mô hình đào tạo khép kín từ khâu tuyển sinh tới đầu ra cho các nghệ sĩ trẻ.

- Một mô hình đào tạo thiết thực, nhất là với các học viên trẻ như vậy nhưng vì sao, đến thời điểm này, Hội Sân khấu Thành phố mới cho ra mắt Trung tâm?

- Tôi bắt đầu công tác tại Hội từ tháng 8/2020. Trước đó, tôi có nghe đến ý tưởng thành lập Trung tâm nhưng một số vấn đề trong quản lý nhân sự và kinh phí vận hành khiến việc ra mắt một trung tâm dành cho người yêu sân khấu cứ bị nấn ná mãi, không thực hiện được. Với kinh nghiệm mở lớp đào tạo nghệ sĩ trẻ tại sân khấu tư nhân của mình, 11 khóa học đã hoàn thành, tôi đã tự tin đề xuất thành lập Trung tâm và được Hội ủng hộ hết mức. Bên cạnh kinh nghiệm cá nhân, còn một lý do khác là Hội đã sẵn có cơ sở vật chất: một không gian thoáng mát, sạch sẽ, một số trang thiết bị, đạo cụ để dạy về hóa trang, đài từ sân khấu… đang được bổ sung kịp thời. Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhanh chóng đào tạo được khóa nghệ sĩ đầu tiên của Trung tâm.

- So với quy trình đào tạo trong trường đại học, Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu Thành phố có những khác biệt căn bản nào, thưa chị?

- Với thời gian đào tạo ngắn, trong vòng một năm, trong đó có hai, ba tháng dành cho làm bài tốt nghiệp nên phương pháp đào tạo của các thầy, các cô ở Trung tâm là "cầm tay chỉ việc", người thật việc thật, tập trung vào đào tạo nghề. Chúng tôi đã nhận được sự hợp tác của NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Thanh Điền, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Phương Loan, các nghệ sĩ Hữu Tiến, Đào Vân Anh… Dù hiện nay, như đã nói, Trung tâm mới đang hoàn thành các đầu việc để chính thức đi vào đào tạo khóa đầu tiên, nhưng đã có không ít đạo diễn bày tỏ mong muốn sớm được tới khảo sát, tìm gương mặt mới, đem lại mầu sắc tươi trẻ cho các phim điện ảnh và truyền hình sắp bấm máy. Điều đó làm cho một người đứng đầu Trung tâm như tôi cảm thấy rất có động lực. Thật ra, Trung tâm không chỉ dành cho các bạn trẻ, mà bất cứ ai yêu nghệ thuật đều có thể đến với chúng tôi. Có những anh chị lúc trẻ chưa thể thực hiện ước mơ được đứng trên sân khấu thì nay, họ có điều kiện để hoàn thành.

Khán giả đang trở lại ảnh 1
Cảnh trong vở Rặng trâm bầu, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi. Ảnh: NVCC

Bối rối và kỳ vọng

- Trong quá trình tuyển sinh học viên cho Trung tâm, điều gì khiến chị suy ngẫm, băn khoăn nhiều?

- Trong số các lớp học được mở như diễn viên kịch nói, diễn viên cải lương, MC, lớp nghệ thuật thiếu niên, biên kịch sân khấu, lượng học viên người lớn hiện nay chủ yếu đăng ký học sân khấu kịch nói, MC. Trong khi đó, sân khấu cải lương và lớp biên kịch đang rất vắng. Thực tế này cũng phản ánh phần nào tình trạng hiện nay của sân khấu Thành phố là đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng diễn viên kế cận của sân khấu cải lương cũng như thiếu kịch bản sân khấu hay. Trước thực trạng này, tôi ấp ủ việc sẽ trao 15 suất học bổng cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đam mê với sân khấu kịch nói và cải lương, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy những người yêu nghệ thuật đến và thử tài.

Riêng về lớp biên kịch sân khấu, phải nói là chúng tôi khá bối rối. Thực tế lâu nay, không có mấy tác giả tập trung viết kịch bản sân khấu bởi mức chi trả cho biên kịch quá thấp trong khi công sức, chất xám mà họ bỏ ra lại quá lớn. Sự vô lý ấy góp phần dẫn tới tình trạng kịch bản kém chất lượng vẫn được đưa vào dàn dựng; khi đưa vở lên sàn diễn, đạo diễn và diễn viên rất vất vả để tự biên lại từ lời thoại cho tới tình huống kịch, thêm chi tiết để làm mới tác phẩm. Đây cũng là điều đau đáu hiện nay của người làm sân khấu Thành phố.

- Nhưng không lẽ cứ "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", thưa chị?

- Mỗi năm, từ nguồn kinh phí nhà nước, Hội Sân khấu Thành phố cũng chỉ chọn ra được một kịch bản tốt nhất để dàn dựng, con số quá khiêm tốn so với đội ngũ tác giả lên tới hàng chục người. Do vậy, với vai trò là hội nghề nghiệp, Hội chúng tôi đang cố gắng kết nối đội ngũ tác giả tới các sân khấu tư nhân trên địa bàn thành phố.

- Dù khó khăn chồng chất như vậy, thực tế là sân khấu Thành phố vẫn đang khởi sắc, số lượng khán giả đến rạp đông đảo hơn, đã xuất hiện thêm sân khấu tư nhân mới. Chị kỳ vọng gì từ tín hiệu vui này?

- Theo tôi được biết, sau đại dịch Covid-19, các "ông bầu", "bà bầu" làm sân khấu tư nhân ở Thành phố không đặt nặng doanh thu và lợi nhuận. Điều mà họ và chúng tôi quan tâm hiện nay là kéo được khán giả đến rạp, và đã có thành công ban đầu. Không ít nghệ sĩ tâm sự với tôi, dù họ rất nổi tiếng ở lĩnh vực phim truyền hình nhưng với họ, sân khấu vẫn có sức hút ma lực khiến họ luôn ao ước được đứng dưới ánh đèn sân khấu, hóa thân trọn vẹn cùng vai diễn. Niềm hứng khởi đó đã truyền cảm hứng để đội ngũ sáng tạo, gồm biên kịch, đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, tiếp tục lao động và tạo ra các tác phẩm có chất lượng cao. Còn nhiều khó khăn về kinh phí cho dàn dựng vở hiện nay, như lượng vé bán ra chưa đúng như kỳ vọng, thiếu diễn viên giỏi nghề cũng như biên kịch có tay nghề, nhưng thật may mắn, khán giả đã trở lại sau chuỗi ngày đóng cửa vì đại dịch.

Hội Sân khấu Thành phố đang nỗ lực sát cánh, động viên và khuyến khích các nghệ sĩ, "ông bầu", "bà bầu" tiếp tục đưa các vở diễn vào cuộc sống, sống cùng thời đại.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!