Khám phá báo chí Việt Nam trước năm 1945

NDO - Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), người xem có thể tìm hiểu về những ấn phẩm báo chí đầu tiên ở Việt Nam qua triển lãm 3D “Báo chí Việt Nam trước năm 1945” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh triển lãm 3D "Báo chí Việt Nam trước năm 1945".
Hình ảnh triển lãm 3D "Báo chí Việt Nam trước năm 1945".

Với hơn 100 tài liệu, hình ảnh, đầu báo lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng như sưu tầm từ các thư viện, bảo tàng, nhà sưu tầm, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, Triển lãm đưa người xem nhìn lại một số mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam trước năm 1945, và thông qua các tài liệu, hình ảnh để phác họa một vài khía cạnh cạnh gắn liền với nghề báo như nhà in, giấy in, phân phối và quảng cáo trên báo chí đương thời…

Ngoài ra, Triển lãm “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945” cũng giới thiệu những tài liệu tiêu biểu về những chủ trương, chính sách tiêu biểu về báo chí và hoạt động báo chí thời thuộc địa.

Báo chí du nhập vào Việt Nam cùng với quá trình khai thác và xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Phát hành đầu tiên ở Nam Kỳ vào những năm 1860, sau đó báo chí đã nhanh chóng phát triển ở Bắc Kỳ, và Trung Kỳ.

Với hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ ra đời trước năm 1945, báo chí xuất hiện kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như sản xuất giấy, in ấn, phát hành, phân phối báo chí và quảng cáo.

Khám phá báo chí Việt Nam trước năm 1945 ảnh 1

Một tuyên ngôn về báo chí trên tờ Báo Sài Gòn, năm 1940.

Chính quyền Pháp sử dụng báo chí phục vụ mục đích cai trị và khai thác thuộc địa, đồng thời áp đặt nhiều biện pháp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhân dân ta. Ngược lại, các cá nhân, tổ chức yêu nước của Việt Nam cũng tích cực biến báo chí thành công cụ đấu tranh để bênh vực và đòi quyền lợi cho dân tộc, cho đồng bào.

Triển lãm gồm 2 phần: “Những cột mốc làng báo” và “Ấn loát và lưu hành”.

Ở phần “Những cột mốc làng báo”, các cột mốc lịch sử báo chí được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn trước năm 1881, báo chí được người Pháp phát hành ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, như một công cụ tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa. Ban đầu chủ yếu là báo tiếng Pháp, xuất bản ở Nam Kỳ, do người Pháp chủ trương, tuyên truyền về các quy định của chính quyền thuộc địa. Sau đó, người Việt mới tham gia vào quá trình làm báo, dẫn đến sự ra đời của tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo.

Giai đoạn 1881-1897 là những quy định đầu tiên về tự do báo chí, do Thống đốc Nam Kỳ ban hành, cho phép báo chí tự do phát hành mà không cần đăng ký trước.

Giai đoạn 1898-1926 ghi dấu ấn sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và những quy định chặt chẽ hơn của chính quyền Pháp đối với báo chí, hạn chế quyền tự do ngôn luận và đàn áp các phong trào đấu tranh ở Việt Nam, các lực lượng tiến bộ cũng tận dụng báo chí như một công cụ đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc.

Giai đoạn 1927-1935 khi báo chí đã phát triển mạnh mẽ, chính quyền thuộc địa ban hành các quy định, sắc lệnh về báo chí riêng cho Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Trung Kỳ nhằm siết chặt việc kiểm duyệt. Giai đoạn này cũng ghi dấu những đầu báo lên tiếng phản đối chính quyền thuộc địa, và những tờ báo bí mật đấu tranh trong tù ngục thực dân…

Giai đoạn 1936-1945 đánh dấu sự bùng nổ của phong trào đấu tranh đòi tự do báo chí của các dân tộc thuộc địa, cùng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khám phá báo chí Việt Nam trước năm 1945 ảnh 2

Chú bé bán báo rong.

Ở triển lãm, người xem có thể khám phá rất nhiều điều thú vị khác về lịch sử báo chí nước ngoài, chung quanh những mốc lịch sử kể trên. Như hình ảnh chú bé bán báo rong trên đường phố được vẽ lại trên tờ Hà Thành ngọ báo, ngày 19/5/1936.

Xem triển lãm, có thể thấy một số báo, tạp chí đầu tiên ở Việt Nam, như tờ tạp chí tiếng Pháp “Du khảo” với số 1 phát hành tháng 12/1879, Công báo Nam Kỳ ngày 1/9/1887, Tập san Phòng Canh nông Nam Kỳ các năm 1897,1898, tập san Tin tức Sài Gòn năm 1865, tờ Gia Định báo – tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam của học giả Trương Vĩnh Ký.

Người xem cũng có thể tìm hiểu về những tờ báo đầu tiên ở Bắc Kỳ, như tờ Đại Việt Tân Báo ra đời năm 1905, theo một thỏa thuận ký ngày 20/2 cùng năm giữa ông Ernest Babut và Thống sứ Bắc Kỳ. Chủ bút đầu tiên của Đại Việt Tân Báo là ông Đào Nguyên Phổ, kế nhiệm ông là Phan Chu Trinh.

Khám phá báo chí Việt Nam trước năm 1945 ảnh 3

Tờ Đại Việt Tân báo và người sáng lập Ernest Babut. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Người xem cũng có thể tìm hiểu về Luật tự do báo chí do Thống đốc Nam Kỳ ban hành ngày 12/9/1881, theo đó quy định tất cả các loại báo được phát hành không cần đăng ký trước và không cần ký quỹ tiền… Tuy nhiên, sau đó sự phát triển của báo chí dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Pháp, dẫn tới những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn ở những giai đoạn sau.

Triển lãm là dịp để công chúng có dịp tiếp cận những tài liệu tiêu biểu về chủ trương của chính quyền đương thời, báo chí và hoạt động báo chí thời kỳ thuộc địa.