Một cái mốc vàng của cách mạng Việt Nam

Một số ấn phẩm báo chí hiện nay
Một số ấn phẩm báo chí hiện nay

Xã hội Việt Nam những năm 20 của thế kỷ 20

Nước Pháp dù bị kiệt quệ bởi chiến tranh thế giới thứ nhất, vẫn là một nước chiến thắng trong Ðồng minh chống Ðức. Họ không chịu nới lỏng chút quyền tự do cho các dân tộc thuộc địa đã còng lưng phục vụ chiến tranh giúp "mẫu quốc". Yêu sách tám điểm của Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi Hội nghị Hòa bình họp tại Véc-xai  (Pháp) bị khước từ. Ðã thế, chính quyền thực dân còn chủ trương tăng cường chính sách khai thác triệt để tài nguyên và nhân lực của ba nước Ðông Dương nhằm mau chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh.

Nhà chính khách cáo già An-be Xa-rô được phái trở lại Ðông Dương làm toàn quyền. Y lặp lại luận điệu về công ơn khai sáng của nước Pháp, và nhấn mạnh "Việt Nam là một thị trường của Pháp". Hàng vạn người Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam với chính sách ưu đãi trên tấm lưng còng của người dân mất nước. Hàng loạt đồn điền cao-su được mở. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long được khai thác với nhịp độ cực nhanh. Lúa gạo, cao-su, than đá giúp kim ngạch xuất khẩu của Ðông Dương tăng vọt. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời. Theo thống kê của Pháp, đội ngũ công nhân năm 1929 lên tới hơn 22 vạn người, bao gồm 53.000 thợ mỏ, 86.000 thợ máy, còn lại là công nhân đồn điền (H).

Các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam bị đè bẹp trong máu. Các nhà lãnh đạo phong trào bị bắt bớ, tù đày. Va chạm với nền văn minh phương Tây đưới hình thức tư bản hoang dã, đạo đức, luân lý, phong tục cổ truyền của Việt Nam gần như sụp đổ. Cái cũ rã rời, cái mới chưa hình thành. Xã hội Việt Nam hầu như mất phương hướng. Tuy nhiên đã xuất hiện những tiền đề cho sự hình thành chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân, sẽ đứng ra đảm đương trọng trách lịch sử là lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên giành độc lập tự do.

Báo chí Việt Nam bước đầu phát triển

Báo chí Việt Nam ra đời năm 1865 với tờ Gia Ðịnh báo. Tuy nhiên trong mấy thập niên cuối thế kỷ 19, báo chí tiếng Việt vẫn èo uột, tên báo đếm trên đầu ngón tay. Sang 20 năm đầu của thế kỷ 20, báo chí có bước phát triển. Một phần do điều kiện xã hội đòi hỏi và số người làm báo tiếng Việt đã tăng lên, phần khác do chính sách của toàn quyền Ðông Dương An-be Xa-rô. Y chủ trương bỏ ngân sách ra, cho xuất bản báo chí ở Việt Nam nhằm ủng hộ chính sách của Pháp, giao cho những tay chân thân tín đứng ra làm chủ, lúc đầu là người Pháp, sau chuyển sang một số người Việt được Pháp tin cậy. Cho dù mục đích ban đầu của sự ra báo ấy như thế nào, khách quan mà nói, một số bài nghiên cứu về văn hóa, xã hội, phong tục do các học giả Việt Nam viết, đăng trên các báo tiếng Việt thời bấy giờ cũng có sự đóng góp nhất định cho nền văn hóa nước nhà, góp phần nâng cao dân trí.

Tuy số lượng báo tiếng Pháp xuất bản ở Việt Nam thời bấy giờ vẫn nổi trội, báo chí tiếng Việt ngày càng khẳng định vai trò của mình. Nếu vào thời kỳ sơ khai, cái nôi của báo chí tiếng Việt là Nam Bộ, chủ yếu ở thành phố Sài Gòn, thì đến thập niên 20, làng báo Hà Nội có phần nhộn nhịp hơn. Năm 1925, Bắc Kỳ có 69 tờ. Nam Kỳ có 49 tờ. Nguyên nhân do vị trí ngày càng quan trọng của Hà Nội, và chủ yếu bắt nguồn chiều dày của nền văn hiến Việt Nam.

Mặc dù báo chí Việt Nam thời gian này cơ bản bị chủ nghĩa thực dân chi phối về chính trị, song xuất phát từ lòng yêu nước nhân dân và trí thức Việt Nam, vẫn không ngăn cản được sự xuất hiện nhiều bài báo có xu hướng tiến bộ, thậm chí bằng cách này hay cách khác, tìm cách thức tỉnh tinh thần dân tộc Việt Nam, đả kích chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Khỏi phải nói, mọi tiếng nói của lương tri, lẽ phải trên báo chí Việt Nam đều bị nhà cầm quyền Pháp xoi mói, chúng tìm dịp bắt bớ, tù đày những nhà báo để lộ khuynh hướng yêu nước.

Một số nhà yêu nước tìm cách "lách luật", theo đó, báo xuất bản bằng tiếng Pháp thì không phải xin phép trước, để ra báo tiếng Pháp quảng bá tiếng nói chính nghĩa. Tuy nhiên, sớm hay muộn họ đều bị bóp nghẹt. Báo Tiếng chuông rè của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh gây được tiếng vang trong dư luận, chủ bút bị Pháp bắt, đày ra Côn Ðảo và hy sinh ở đảo. Tờ L'Annam của Luật sư Phan Văn Trường sớm chịu chung số phận. Nhà cách mạng Nguyễn Khánh Toàn cho ra báo Nhà quê (viết bằng tiếng Pháp), chỉ phát hành được một số thì báo bị tịch thu, chủ bút bị trục xuất về nguyên quán ở Trung Kỳ.

Về tình cảnh báo tiếng Việt, nhà văn hóa Trần Huy Liệu kể lại trong Hồi ký của mình: Một số nhà yêu nước mua lại giấy phép ra báo của tờ Pháp Việt nhất gia và núp dưới bóng cái măng-sét ấy để nói lên quan điểm tiến bộ của mình. Dĩ nhiên khó lọt qua mắt mật thám Pháp. Ðược tin tờ báo sắp bị đóng cửa, Trần Huy Liệu và đồng nghiệp quyết định cho ra một số cuối cùng, phát hành sớm hơn thường lệ, trước khi bị tịch thu. Trong lời cáo biệt độc giả, Trần Huy Liệu viết:

"... Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giãi bày, đó là cái số kiếp của 25 triệu đồng bào ta. Lịch sử báo giới ta trải qua mấy chục năm nay, những người làm báo hoàn toàn là những người miệng câm, tai điếc. Họ là những người chính phủ Pháp đào tạo cho báo giới ta. Mỗi khi ta cầm đến ngòi bút, cầm đến tờ báo, không khỏi bầm gan tím dạ, thẹn ruột đau lòng!".

Cần có một tờ báo cách mạng

Ðầu những năm 20, Nguyễn Ái Quốc ở Pháp được nhiều người biết, đặc biệt qua loạt bài xuất sắc Người viết bằng tiếng Pháp và đăng trên tờ Le Paria (1922) do Người sáng lập. Sống ở nước ngoài, Người vẫn biết rõ tình hình báo chí trong nước. Năm 1924, Người đã thốt lên:

"Giữa thế kỷ 20 này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Chính quyền Pháp quyết định, không một tờ báo tiếng An Nam được xuất bản nếu không được toàn quyền cho phép... Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và một số nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca ngợi công ơn của nền khai hóa ra ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Ðông Dương cũng có đến ba hay bốn tờ đấy".

Trong quá trình tìm đường cứu nước, tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc tâm đắc ý kiến của Lê-nin phát biểu rất lâu trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công: "...Muốn phát động và mở rộng nhanh chóng phong trào cách mạng, muốn đi đến sự nhất trí về lý luận, chính trị và tư tưởng để xây dựng tổ chức cách mạng tiên phong thì không thể không có tờ báo cách mạng...". Lê-nin lại nói: "... Ðiểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập cái tổ chức mong muốn... phải là việc thành lập tờ báo chính trị toàn quốc. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động có tính nguyên tắc và toàn diện...".

Không thể xuất bản trong nước

Giữa những năm 20, Việt Nam rất cần một tờ báo cách mạng, giống như nước Nga vào đầu thế kỷ 20.

Nguyễn Ái Quốc hiểu hơn ai hết, không thể nào nuôi ảo tưởng xuất bản một tờ báo chính trị, chuẩn bị thành lập tổ chức cộng sản ngay trong nước Việt Nam, dưới chế độ thực dân. Người biết rõ kinh nghiệm của Các Mác và của V.I.Lê-nin. Năm 1848, Mác cho ra đời tờ báo Rênani mới, tờ báo được coi là khởi nguyên của nền báo chí cách mạng thế giới, C. Mác đã chọn thành phố Cô-lô-nhơ là nơi có bầu không khí chính trị dễ thở hơn, có chút quyền tự do báo chí hơn, chứ không chọn Béc-lin, để đặt trụ sở Bộ Biên tập. Còn Lê-nin tổng kết: "Ðặt cơ sở cho phong trào dân chủ - xã hội ở Nga là nhóm "Giải phóng lao động" ra đời ở nước ngoài năm 1883. Các tác phẩm của nhóm này xuất bản ở nước ngoài không qua kiểm duyệt là những tác phẩm đầu tiên trình bày một cách có hệ thống và với tất cả các kết luận thực tiễn tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác, tức là tư tưởng duy nhất có thể biểu hiện đúng đắn bản chất phong trào công nhân và nhiệm vụ của phong trào đó".

Một tờ báo cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho sự thành lập một đảng cách mạng chân chính của Việt Nam, chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài và đưa về phát hành bí mật ở trong nước. Ðó là kết luận Nguyễn Ái Quốc rút ra. Người rời Pháp, sang Nga để học tập, rèn luyện thêm trong bầu không khí cách mạng, rồi tìm cách trở về châu Á. Người chọn Quảng Châu, một thành phố ở Nam Trung Hoa, không quá xa Việt Nam, để xuất bản tờ Thanh niên, với tư cách là cơ quan của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng. Song song với việc xuất bản và phát hành tờ báo, Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ rút từ trong nước ra. Và ngày 21-6-1925 trở thành một cái mốc vàng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam và của báo chí Việt Nam.

Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang

Với gần 90 số báo xuất bản đều đặn hằng tuần, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Tờ báo kịp hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình trước khi tình hình chính trị ở Trung Hoa chuyển biến bất lợi cho cách mạng, và Nguyễn Ái Quốc buộc phải rời Trung Quốc chuyển sang hoạt động bí mật ở một địa bàn khác gần gũi với đất nước thân yêu.

Năm 1985, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã quyết định lấy ngày 21-6, ngày báo Thanh niên ra số đầu, làm Ngày Báo chí Việt Nam (từ năm 2000 là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam).

(*) Tất cả số liệu và tư liệu trong bài này đều trích từ bài Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam, Phan Quang, Tuyển tập mười năm 1998-2008, NXB Văn học, 2008.

Phan Quang