Khai thác tối đa nguồn lợi hồ Dầu Tiếng

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, các địa phương ở Nam Bộ như được giải toả “cơn khát” khi tiếp cận nguồn nước từ thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, qua đó giúp nhân dân ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Dầu Tiếng có vai trò điều tiết nước, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp cho khu vực Nam Bộ và Đông Nam Bộ.
Hồ Dầu Tiếng có vai trò điều tiết nước, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp cho khu vực Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Sẵn sàng tiếp cứu nước ngọt

Ngay sau khi tỉnh Long An công bố thiên tai hạn mặn khẩn cấp, cấp độ 4 với độ rủi ro rất lớn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền nam đã xả khoảng 7 triệu mét khối nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng về tỉnh Long An để tưới tiêu và tạo nguồn đẩy mặn, giữ ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông. Ghi nhận tại các cống xả số 1 và số 2 của hồ, công nhân kỹ thuật liên tục vận hành hệ thống máy bơm để đưa nước qua các kênh mương, nhất là vào lúc hạn hán gần như lên đến đỉnh điểm.

Trước đó, ngày 17/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4. Thiên tai, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nặng nề tại các huyện như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và thành phố Tân An. Ngoài ra, xâm nhập mặn trên hai tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã vào sâu hơn 100 km tính từ cửa sông Soài Rạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (cách cửa sông ra biển từ 90-110 km) đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại một số huyện thiếu hụt nước ngọt để tưới. Cụ thể, các địa phương như Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Thạnh Hóa, Đức Hòa và thành phố Tân An có khoảng 4.642 ha cây chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 hộ dân các xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại (huyện Cần Giuộc) và Long Can, Long Định (huyện Cần Đước) thiếu nước ngọt sử dụng.

Liên tục từ đầu tháng 3 đến nay, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Dầu Tiếng đã ba lần xả nước để đẩy độ mặn trên sông Sài Gòn, qua đó giúp đẩy mặn tại trạm bơm Hòa Phú, nơi nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) - là một trong hai Nhà máy cấp nước lớn của Thành phố Hồ Chí Minh lấy nguồn nước thô xử lý trước khi bơm vào hệ thống cấp nước của thành phố. Ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết: Cụm Nhà máy nước Tân Hiệp gồm ba nhà máy là Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2 và Kênh Ðông có công suất phát nước 650.000m3/ngày, cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Vào những năm thuộc chu kỳ El Nino, nhiễm mặn thường xảy ra, nhà máy chủ động phối hợp cùng hồ Dầu Tiếng xả tràn đẩy mặn để bảo đảm tiêu chuẩn quy định của nguồn nước mặt trước khi bơm vào nhà máy.

Theo ban lãnh đạo hồ Dầu Tiếng, để xử lý vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông nói chung và đẩy, pha loãng mặn tại trạm bơm Hòa Phú cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như tỉnh Tây Ninh và Long An, từ đầu mùa cạn đến nay, ngoài lượng nước đã xả duy trì dòng chảy sau đập khoảng 300 triệu mét khối, hồ Dầu Tiếng đã xả tràn 8 đợt để đẩy, pha loãng mặn khoảng 55 triệu m3.

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền nam cho biết: Hiện mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình 20,03m, thấp hơn năm 2023 là 0,78m và cao hơn trung bình nhiều năm là 0,14m. Tuy nhiên mực nước hồ cũng xuống trung bình từ 6-7cm/ngày. Đáng lo ngại, tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài không có mưa rất bất lợi, càng làm xu hướng triều cường và xâm nhập mặn vào sâu cho nên phải cần một nguồn nước lớn để pha loãng trong khi mực nước hồ thì ngày càng xuống thấp và cạn kiệt.

Ông Hùng nhận định, nếu khu vực Đông Nam Bộ không có trận mưa nào từ nay đến giữa tháng 5, thì mực nước trên sông Sài Gòn sẽ là thời kỳ cạn kiệt nhất trong năm, đồng nghĩa với việc mực nước sông sẽ xuống rất thấp, là điều kiện thuận lợi để nước biển mang theo độ mặn lấn sâu vào cửa sông. Đó là nguyên nhân dẫn đến độ mặn luôn vượt ngưỡng cho phép tại trạm bơm Hòa Phú ngay cả trong kỳ triều kém. Để xử lý vấn đề xâm nhập mặn nêu trên, từ nay đến hết 15/5, ngoài lượng nước phải xả duy trì dòng chảy sau đập thường xuyên, liên tục, công ty sẽ tăng cường xả nước cắt đỉnh mặn với nhu cầu nước khoảng 90 triệu m3.

Hướng đến mô hình du lịch sinh thái, điện mặt trời

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền nam, để quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ các nhu cầu, công ty đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, thành lập tổ kiểm tra độc lập kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong hồ, đồng thời lấy mẫu phân tích chất lượng nước định kỳ hằng tháng, hằng quý tại các điểm giao nhận nước, các nhánh suối chảy về hồ và trên kênh chính.

Ngoài ra, công ty còn triển khai thực hiện nhiệm vụ “Kiểm soát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng phục vụ khai thác đa mục tiêu và ứng dụng công nghệ WebGIS quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn nước lưu vực Dầu Tiếng”; phối hợp đơn vị chuyên môn khảo sát, đánh giá nguyên nhân hiện tượng tảo lam làm cho nước hồ có mầu xanh, xảy ra vào thời kỳ giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa để đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng…

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi tầm quốc gia, được thiết kế phục vụ đa mục tiêu. Với tiềm năng và lợi thế rất lớn về thủy lợi, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền nam đánh giá: Ngoài quy hoạch của tỉnh, Ban quản lý hồ Dầu Tiếng đang rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ thủy lợi của hồ để từ đó xây dựng phát triển đề án chiến lược đa mục tiêu, vì hiện trong hồ có rất nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Nếu đề án này triển khai thực hiện hiệu quả sẽ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung cho tỉnh, đồng thời tạo cơ chế và nguồn lực để công ty có thêm khoản chi phí, phục vụ cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ thủy lợi.

Cụ thể, công ty đang đẩy mạnh các hoạt động khai thác thủy lợi, trong đó có điện mặt trời. Hồ Dầu Tiếng nằm ở vị trí có bức xạ nhiệt rất cao so với các tỉnh lân cận, do đó nếu sử dụng lợi thế của mặt nước hồ, để làm mát tuốc-bin, tăng hiệu quả công suất phát điện sẽ tạo nguồn thu không nhỏ cho đơn vị. Cũng từ quy hoạch các địa phương và quy hoạch chuyên ngành, công ty sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai mô hình du lịch sinh thái vì vị trí địa lý thuận lợi, khoảng không gian mặt nước cũng như điều kiện hạ tầng tốt, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch tốt và tiềm năng.

“Chúng tôi luôn chú trọng kiểm soát để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chứa nước, nhất là phòng chống thiên tai hồ Dầu Tiếng theo đúng tinh thần Kết luận 36 của Bộ Chính trị, đặc biệt là việc bảo đảm chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ phát triển kinh tế dân sinh. Đối với an toàn đập hồ chứa nước, đơn vị cũng đã thực hiện dự án xử lý nâng cao an toàn đập, trong đó rà soát lại các trang thiết bị để bảo đảm an toàn đập hồ chứa nước, làm sao để phát triển bền vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình, giảm lũ cho hạ du và bảo đảm an ninh nguồn nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ông Trần Quang Hùng nhấn mạnh.