Phóng viên: Với tư cách là đơn vị chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành, xin Thứ trưởng cho biết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm của Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đồng thời thể chế hóa được các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Mong muốn của chúng ta đến năm 2050 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải đạt được từ nay đến năm 2030, cụ thể là:
Tài nguyên biển được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, đặc biệt là sáu ngành kinh tế biển đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2020 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho cộng đồng ven biển.
Các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển phải được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức chịu tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển.
Tăng diện tích các khu bảo tồn biển và khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm.
Phóng viên: Là đơn vị chủ trì xây dựng cũng là chủ trì tổ chức thực hiện, xin Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào những công việc gì để hướng tới các mục tiêu Chiến lược đề ra?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Để giải quyết được bốn vấn đề trọng tâm, trọng điểm nêu trên, từ nay cho đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tập trung vào sáu nhóm công việc sau:
Thứ nhất, ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển các lĩnh vực kinh tế biển; phân vùng sử dụng không gian biển để khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các cấp, các ngành và đặc biệt quan tâm đến sinh kế của người dân, yêu cầu bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ” và “Quy hoạch không gian biển quốc gia” để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Một trong những đích đến của hai quy hoạch này là “phân vùng không gian biển” để giải quyết các vấn đề nêu trên. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng các công cụ thuế, phí, cơ chế đấu giá, đấu thầu trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển; tăng cường áp dụng các quy định quốc tế về phát triển bền vững cho các ngành kinh tế biển.
Thứ hai, thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc, đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; đánh giá sức chịu tải môi trường, mức độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp và được kết nối và tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.
Thứ ba, cần bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn biển hiện có; nghiên cứu đề xuất thành lập các khu bảo tồn biển mới. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.
Thứ tư, tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo và có hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai. Triển khai các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển (như phục hồi rừng ngập mặn) nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn... và các tác động liên quan khác.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án phát hiện tài nguyên mới, dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các di sản văn hóa biển, dự án điều tra có tính chu kỳ đối với các loại tài nguyên có sự biến động mạnh như nguồn lợi hải sản.
Thứ sáu, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Phát triển công cụ, thiết bị giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Mặt khác, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới như: rác thải nhựa biển, ứng phó sự cố tràn dầu...
Lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, người dân thu gom rác thải tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An). |
Phóng viên: Chiến lược đề ra nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo là giải pháp đầu tiên, xin Thứ trưởng có thể chia sẻ nội dung chính của giải pháp này thời gian tới?
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo là một trong bảy nhóm giải pháp được đề ra trong Chiến lược. Do vậy, trọng tâm trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển, nhằm điều chỉnh hoạt động giao quyền sử dụng khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Tạo dựng hành lang pháp lý để áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên, môi trường biển như lệ phí (về ô nhiễm, xả thải); xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội, kết hợp bảo vệ quốc phòng-an ninh trên các đảo, đặc biệt là các đảo tiền tiêu; chính sách xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực biển và hải đảo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!