Phát biểu khai mạc sự kiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Trong gần 3 thập kỷ qua, MAKS đã trở thành điểm hẹn, là nơi gặp gỡ, giới thiệu những thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga và thế giới; nơi diễn ra các màn trình diễn trên không đẹp mắt; nơi tổ chức các hội thảo khoa học về tương lai của ngành công nghiệp chế tạo máy bay toàn cầu; nơi ký kết các hợp đồng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thực hiện các dự án đôi bên cùng có lợi…”.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đứng trước những khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, song MAKS-2021 vẫn thu hút sự tham gia trực tiếp của 538 công ty của Nga, cũng như 89 doanh nghiệp và tổ chức đến từ 20 quốc gia. Ngoài ra, triển lãm cũng thu hút hơn 250 công ty từ 50 quốc gia làm việc theo hình thức trực tuyến, kết nối với MAKS từ các điểm cầu trên khắp thế giới.
So với triển lãm lần thứ 14, MAKS-2021 chú trọng trưng bày, giới thiệu các thiết bị hàng không dân dụng và quân sự của Nga, trong đó điểm nhấn thu hút sự quan tâm lớn ngay trong ngày khai mạc 20/7 chính là màn ra mắt đầy ấn tượng của mẫu máy bay chiến đấu chiến thuật một động cơ đa năng hạng nhẹ thế hệ thứ 5 SU-75 Checkmate (Chiếu tướng), do nhà sản xuất máy bay Sukhoi của Nga chế tạo.
Theo thiết kế, SU-75 Checkmate có tải trọng chiến đấu tối đa 7.400 kg, tầm bay khi không có thùng nhiên liệu bên ngoài là 2.900 km. Máy bay ứng dụng công nghệ tàng hình và được trang bị tới 5 tên lửa không đối không ở nhiều tầm bắn khác nhau hoặc các loại vũ khí khác. Checkmate cũng trang bị hệ thống phòng thủ và chế áp điện tử trên không hiện đại, cho phép máy bay tránh các thiết bị phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, cùng với radar mảng ăng ten hoạt động theo giai đoạn (AFAR).
Tổng Giám đốc Tập đoàn nhà nước Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết Checkmate có giá khoảng 25 đến 30 triệu USD với 3 phiên bản: không người lái, 1 người lái (đơn) và 2 người lái (đôi); dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2023. Người đứng đầu Rostec nhấn mạnh, Checkmate có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên bộ và trên biển, có khả năng giành ưu thế trên không, dù đối phương lớn hơn về quân số. Ông Chemezov khẳng định, SU-75 Checkmate có giá rẻ hơn rất nhiều so với các mẫu tiêm kích tương tự của nước ngoài, là sự kết hợp độc đáo giữa các đặc tính bay, hiệu quả chiến đấu, với giá cả phải chăng và chi phí 1 giờ bay thấp.
Phát biểu với giới báo chí sau màn “trình làng” đầy ấn tượng, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết, các khách hàng tiềm năng mà “Checkmate” hướng tới là các nước châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ và các quốc gia châu Phi. Nhu cầu mua Checkmate khá cao, ước tính tối thiểu khoảng 300 chiếc trong thời gian tới.
Bên cạnh “điểm nhấn” Checkmate, đến với triển lãm năm nay, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng nhiều mẫu máy bay dân sự, máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái (UAV), cũng các hệ thống linh kiện hiện đại sử dụng cho máy bay. Đáng chú ý, trong số này là mẫu máy bay chở khách MS-21-310 sử dụng động cơ PD-14 do Nga phát triển. Tổng công ty chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga hiện kỳ vọng MS-21 sẽ trở thành một trong những máy bay tốt nhất trong phân khúc này nhờ thiết kế khí động học nguyên bản, sử dụng động cơ Nga, ứng dụng các hợp kim mới, vật liệu composite cũng như trang thiết bị hiện đại.
Dự kiến MS-21 sẽ được sản xuất hàng loạt từ năm 2022. Theo số liệu mới nhất, danh mục đặt hàng dòng máy bay chở khách này là 175 chiếc. Một mẫu máy bay chở khách đáng chú ý khác của Nga là Il-114-300. Máy bay được thiết kế, thử nghiệm đầy đủ và thậm chí đã đưa vào sản xuất hàng loạt thời Liên Xô trước đây song tại MAKS năm nay, nó là phiên bản hoàn toàn mới, được hiện đại hóa hoàn toàn so với nguyên mẫu thời Liên Xô.
Theo kế hoạch, MAKS-2021 sẽ kéo dài đến hết ngày 25/7, với 3 ngày đầu chỉ mở cửa cho giới chuyên môn, đại diện các doanh nghiệp và 3 ngày cuối sẽ mở cửa cho tất cả khách tham quan, với các chương trình trình diễn phong phú, gồm trình diễn các loại máy bay và trực thăng dân dụng và quân sự mới nhất, cũng như màn trình diễn của các đội nhào lộn trên không, kéo dài ít nhất 3 giờ mỗi ngày.
Tổng cộng khoảng 80 máy bay tham gia chương trình bay trong khuôn khổ các hoạt động nhào lộn trên không đơn lẻ và theo nhóm. Lần đầu tiên tại triển lãm, khách tham quan được chiêm ngưỡng màn trình diễn của những “át chủ bài” Ấn Độ thuộc đội nhào lộn trên không Sarang của Không quân Ấn Độ bay trên 4 chiếc trực thăng Dhruv nước này sản xuất.
Chương trình trình diễn còn có sự tham gia của các đội nhào lộn của Lực lượng không quân Vũ trụ Nga như đội "Hiệp sĩ Nga", "Chim én", "Chim cắt Nga", "Berkuts", cũng như đội nhào lộn trên không "Chuyến bay đầu tiên"...
MAKS-2021 là triển lãm hàng không quốc tế đầu tiên được tổ chức kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, đây là thông điệp mà nước chủ nhà Nga muốn chuyển tải đến cộng đồng quốc tế: Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua khủng hoảng và hướng đến tương lai.