Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thi, dự.
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư lần thứ VII năm 2021 lần đầu tiên thu hút 74/74 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư đăng ký dự thi. Trong đó, có 63 trường chính trị cấp tỉnh, 11 trường bộ, ngành.
Hội thi khu vực phía nam gồm các trường từ Đà Nẵng trở vào có 34 trường, với 65 thí sinh gồm: 63 giảng viên của 32 trường chính trị và hai giảng viên của hai trường bộ, ngành.
Giảng viên dự thi thực hiện ba nội dung thi gồm: Thi giáo án, thi viết và thi giảng. Kết quả thi là điểm trung bình của ba phần thi, trong đó, phần thi giảng được tính điểm hệ số 3. Điểm khoa học là điểm quy đổi công trình khoa học được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ hội thi của giảng viên dự thi, là điều kiện để Hội đồng giám khảo xếp loại danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy giỏi xuất sắc”.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thi, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ ba năm một lần, là ngày hội thi đua thao giảng lớn của các thầy giáo, cô giáo các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành trong cả nước. Hội thi có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện phương châm: “Học viên là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng” và “muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi”, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị, trường bộ, ngành. Đây là cơ hội quan trọng để các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, nhất là những đồng chí giảng viên trẻ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi kỹ năng sư phạm, là dịp để cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên các trường thống nhất nhận thức về yêu cầu “đạt chuẩn” của đội ngũ giảng viên trên tất cả các tiêu chí: bản lĩnh chính trị; chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; nắm chắc lý luận, am tường thực tế; có khả năng truyền cảm hứng trong học tập lý luận chính trị, lan tỏa, làm sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới học viên nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung...
Đồng thời, thông qua quá trình chuẩn bị tổ chức, lựa chọn và đề cử giảng viên tham gia hội thi, các trường có điều kiện để đánh giá, phân loại giảng viên chính xác hơn, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong những năm tiếp theo. Kết quả Hội thi không chỉ là việc lựa chọn, công nhận giảng viên dạy giỏi, mà còn là cơ sở khẳng định thành tích, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát hiện những giảng viên có năng lực, động viên, biểu dương kịp thời thành tích, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của các trường chính trị, trường bộ, ngành trong cả nước. Việc tổ chức hội thi cũng là cơ sở quan trọng để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nắm bắt cụ thể hơn nhu cầu và tình hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ giảng viên của các trường, đồng thời nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xây dựng, thống nhất quản lý và đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, học tập; bổ sung quy chế, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thi được tổ chức sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp là hoạt động cụ thể, thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, khắc phục bằng được tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị của không ít cán bộ, đảng viên.
Theo kế hoạch, hội thi sẽ bế mạc vào ngày 28-4.