Khai mạc Hội nghị cấp cao Á - Phi 2005

Sáng 22-4, Hội nghị cấp cao Á-Phi 2005 đã khai mạc tại Jakarta, thủ đô Indonesia. Nhiều nguyên thủ quốc gia và trưởng đoàn đến từ hơn 100 quốc gia và tổ chức đã dự lễ khai mạc. Chủ tịch nước ta Trần Ðức Lương dự lễ khai mạc và đọc bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị.

Khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Nam Phi nêu bật ý nghĩa của việc làm sống động lại tinh thần Bandung, cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Á-Phi mới (NAASP) trong thế kỷ 21. Tổng thư ký LHQ Kofi Annan kêu gọi các nhà lãnh đạo các nước đạt tới một thỏa thuận toàn cầu mới để đối phó với những thách thức về phát triển, an ninh, nhân quyền và cải tổ LHQ.

Theo chương trình, trong hai ngày hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác Á-Phi trong ba lĩnh vực trụ cột: chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó gồm một loạt các vấn đề như: hợp tác tại các diễn đàn đa phương, cải tổ LHQ, giải quyết xung đột, chống khủng bố, vấn đề xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy thương mại và đầu tư, thúc đẩy giao lưu nhân dân, đối thoại giữa các nền văn minh, phòng chống dịch bệnh, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm... Dự kiến, các nhà lãnh đạo Á-Phi sẽ ra Tuyên bố chung về sóng thần, động đất và các thiên tai khác và Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược Á-Phi mới.

* Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đọc bài diễn văn quan trọng, toàn văn như sau:

Thay mặt nhân dân và Nhà nước Việt Nam, tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến Hội nghị và bày tỏ lòng cảm ơn tới nhân dân và Chính phủ Indonesia đã vượt qua muôn vàn khó khăn do thảm họa sóng thần và động đất vừa qua gây nên, tạo điều kiện cho hơn 100 quốc gia Á-Phi có dịp gặp mặt tại đất nước Indonesia tươi đẹp để cùng nhau định ra tương lai hợp tác cho hai châu lục chúng ta trong thế kỷ 21.

Nhân dịp này, cho phép tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân của thảm họa sóng thần và động đất ở Indonesia và các nước bị nạn khác ở châu Á và châu Phi.

Hội nghị Bandung lịch sử cách đây 50 năm đã thắp lên ngọn đuốc tinh thần bất diệt về tự do, công bằng và thịnh vượng. Tại thời điểm lịch sử đó, với khát vọng cháy bỏng về độc lập dân tộc, thế hệ các nhà lãnh đạo của các quốc gia non trẻ ở châu Á và châu Phi đã long trọng tuyên bố với thế giới rằng họ sẵn sàng cùng nhau phấn đấu xây dựng một trật tự xã hội mới dựa trên 10 nguyên tắc Bandung lịch sử mà giá trị còn toả sáng cho đến hôm nay và trong nhiều thập kỷ tới. Từ sau Hội nghị Bangdung đó, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình, vùng lên đấu tranh thoát khỏi ách thực dân để giành độc lập hoàn toàn của hàng loạt các nước Á-Phi. Tinh thần Bangdung đã hun đúc, xây đắp cho tình đoàn kết, sự hợp tác giữa hai châu lục của chúng ta và là nền tảng cho sự ra đời và hoạt động của Phong trào Không liên kết, Nhóm 77 và khuôn khổ hợp tác Nam-Nam.

Nhân dịp này, thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các dân tộc Á-Phi, trên tinh thần Bangdung, đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc Ðổi mới hiện nay. Nửa thế kỷ đã trôi qua, thế giới chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Chiến tranh, xung đột sắc tộc, nạn khủng bố, dịch bệnh, hủy hoại môi trường, đặc biệt là hố ngăn cách và tương phản giữa giàu và nghèo, giữa dân chủ và chủ nghĩa đơn phương, cường quyền trong quan hệ quốc tế tiếp tục thách thức, đe doạ sự phát triển chung của các nước đang phát triển.

Quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật diễn biến nhanh chóng đang tạo cho các nước Á-Phi chúng ta cơ hội giao lưu, hợp tác lớn lao, song cũng làm gia tăng khoảng cách phát triển và đe dọa gạt nhiều nước ở châu Á và châu Phi sang bên lề của tiến trình phát triển. Tình hình đó đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ cấp bách là phải cùng nhau tìm ra những phương hướng và chương trình hành động cụ thể để có thể hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh vì phát triển.

Trong 50 năm qua, các nước Á-Phi đã xây dựng được tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ về chính trị. Liệu ngày nay chúng ta có đủ khả năng xây dựng được mối quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa để đối phó với những thách thức toàn cầu không? Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng câu trả lời là có. Chính vì lẽ đó, Việt Nam hoàn toàn chia sẻ quan điểm là đã đến lúc cần phải làm sống động lại tinh thần Bangdung để xây dựng một "Quan hệ đối tác chiến lược Á-Phi mới" trong thế kỷ 21.

Châu Á và châu Phi có nhiều tiềm năng để tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Hiện nay, quan hệ kinh tế trên các mặt giữa châu Á và châu Phi còn khiêm tốn trong khi tiềm năng phát triển của cả hai châu lục là to lớn.

Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh những biện pháp cụ thể trong Tuyên bố chung đã được các Bộ trưởng thông qua và đề nghị "Quan hệ đối tác chiến lược Á-Phi mới" cần tập trung vào những lĩnh vực sau:

Một là, tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa châu Á và châu Phi trên mọi lĩnh vực cùng có lợi và trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và 10 nguyên tắc Bangdung. Ðể làm được việc đó, vấn đề cấp bách hiện nay là phải cùng nhau cải tổ Liên hợp quốc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa và nâng cao hiệu quả phục vụ lợi ích chung của tất cả các quốc gia.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động, chuyên gia, thông tin; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước Á-Phi, đặc biệt ủng hộ một số nước Á-Phi sớm tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ba là, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng đất nước, xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, phòng, chống bệnh tật, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, khai thác có hiệu quả tài nguyên để bảo đảm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và các cam kết quốc tế khác.

Bốn là, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương và khu vực, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa các tổ chức tương ứng ở hai châu lục, phấn đấu cho hòa bình, hợp tác để phát triển, cho mối quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế bình đẳng.

Nhân dịp này, Việt Nam muốn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình hợp tác ba bên "2+1" rất hiệu quả giữa Việt Nam và một số nước châu Phi với sự hỗ trợ của các đối tác tài trợ. Việt Nam đã hợp tác với Xê-nê-gan, Bê-nanh, Ma-đa-ga-xca, Công-gô và đang mở rộng hợp tác với nhiều nước châu Phi khác trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO). Ðể thúc đẩy hơn nữa hợp tác với châu Phi, năm 2003, Diễn đàn Việt Nam - châu Phi đã ra đời, đem lại những kết quả đáng khích lệ. Năm 2004, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với châu Phi đã tăng gần 70% so với năm 2003.

Xuất phát từ chính sách đối ngoại rộng mở, hòa bình, độc lập, đa dạng hóa và đa phương hóa, Việt Nam đã có quan hệ với gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 tháng 10-2004 và đến năm 2006, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất quá trình đàm phán để gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất và đang ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Ðây là những hoạt động thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam vào tiến trình hội nhập quốc tế và tăng cường quan hệ với các nước vì hòa bình và phát triển.

Là một trong số 29 quốc gia độc lập non trẻ đã tham dự Hội nghị Bangdung năm 1955, Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác giữa hai châu lục chúng ta. Tại Hội nghị này, Việt Nam cam kết hợp tác với anh em, bè bạn Á-Phi, đưa quan hệ Á-Phi sang một giai đoạn phát triển mới cao hơn - một quan hệ đối tác toàn diện.

Xin chúc Hội nghị cấp cao thành công tốt đẹp.

* Ngày 21 và 22-4, Hội nghị doanh nghiệp Á-Phi 2005 diễn ra tại thủ đô Jakarta với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ 24 quốc gia châu Á và châu Phi.

Tổng thống Indonesia tham dự và phát biểu ý kiến nhấn mạnh, với các nguồn lực và kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp của châu Á và châu Phi có thể hỗ trợ chính phủ và nhân dân các nước thuộc hai châu lục đương đầu với những thách thức, nắm lấy thời cơ hiện có và NAASP là một biện pháp sửa chữa sai lầm đã khiến châu Á và châu Phi bỏ lỡ các cơ hội cải thiện hợp tác kinh tế trong 50 năm qua. Ông cũng kêu gọi các nước châu Á và châu Phi tập trung vào những chương trình khuyến khích thương mại và đầu tư, trong đó có chương trình mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ.