Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Thái Nguyên

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số lượng học sinh không ngừng tăng, cho nên so với định mức thì đến nay toàn tỉnh thiếu gần 4.000 giáo viên. Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này để bảo đảm số lượng giáo viên theo định mức, duy trì chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp học tại Phân trường Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Một lớp học tại Phân trường Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Là địa phương có số trường, học sinh lớn nhất tỉnh, năm học 2022-2023, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) được giao gần 2.300 biên chế giáo viên, nhân viên trong khi định mức cần 3.357; toàn thành phố thiếu hơn 1.100 biên chế, ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến trung học cơ sở. TS Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố Thái Nguyên cho biết, thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đã ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên nấu ăn để bảo đảm định mức theo quy định.

Với hơn 600 trường học công lập, từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra từ nhiều năm trước, những năm gần đây số lượng thiếu ngày càng nhiều. Biên chế sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có hơn 17 nghìn giáo viên, thiếu gần 4 nghìn giáo viên so với định mức, trong đó bậc học mầm non thiếu khoảng 1.500 giáo viên, tiểu học thiếu hơn 1.000 giáo viên.

Lý giải nguyên nhân thiếu giáo viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: 5 năm vừa qua, mỗi năm ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phải giảm khoảng 2% tổng biên chế theo quy định với khoảng 500 giáo viên; trong khi đó số học sinh tăng lên hằng năm. Những năm trước đây, số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh là khoảng 20 nghìn đến 21 nghìn cháu/năm, những năm gần đây là 23 nghìn đến 24 nghìn cháu/năm, thậm chí có năm tăng thêm 28 nghìn cháu dẫn đến số lớp tăng và thiếu giáo viên, nhân viên.

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên sự nghiệp giáo dục trên địa bàn nhằm bảo đảm đủ định mức theo quy định và duy trì nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, ban hành chính sách hợp đồng giáo viên (mức lương từ 4,9 triệu đến 5,5 triệu đồng/tháng/giáo viên) tùy từng cấp học.

Bên cạnh đó, các trường vận động giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết học; tỉnh Thái Nguyên cũng tiến hành sắp xếp lại đơn vị trường học, giảm quy mô trường nhỏ lẻ, điểm trường, giúp cho học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn, giảm số lượng định mức giáo viên. Ðến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 34 trường thành 17 trường liên cấp, một số trường sau khi sáp nhập học sinh đi lại quá xa, qua sông, suối thì tổ chức học bán trú, bố trí cán bộ quản lý, chăm sóc, nấu ăn nhằm giảm tác động tiêu cực đến học sinh. Ðối với những trường có điều kiện về phòng học rộng, cơ sở vật chất đáp ứng thì tiến hành sắp xếp tăng số lượng học sinh/lớp.

Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng số lượng giáo viên hợp đồng chiếm khoảng 25% tổng số giáo viên; cơ chế hợp đồng có nhiều bất cập bởi giáo viên dạy giờ nào mới được thanh toán kinh phí giờ đó, trong khi ngoài đứng lớp giảng dạy giáo viên còn phải làm nhiều việc khác; thu nhập bình quân chỉ từ 4,9 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/tháng là quá thấp... Thêm vào đó giáo viên hợp đồng không được tăng lương, tự đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thái Nguyên đang tích cực phối hợp với Sở Nội vụ rà soát số lượng giáo viên còn thiếu ở từng địa phương để tiến hành tuyển dụng hơn 1.150 biên chế giáo viên được giao mới năm học 2022-2023. Tuy nhiên, số biên chế được giao tuyển dụng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với biên chế đang thiếu vẫn còn là thách thức đặt ra trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Thái Nguyên.