Bài 1: Ám ảnh sạt lở
Thời gian gần đây, vùng ĐBSCL đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, như: Hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ... Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển cũng đã và đang ảnh hưởng từng ngày, từng giờ đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất và cả mạng sống của người dân.
Từ sạt lở đất bờ sông
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra khắp các tỉnh ĐBSCL, trong đó An Giang là địa phương đã hứng chịu nhiều vụ sạt lở rất nặng nề. Ngày 22-4-2017, vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao (ở ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) đã vùi 14 căn nhà và hai nền đất xuống lòng sông.
Bà Đoàn Thị Xuân, 48 tuổi, nhớ lại, dân trong vùng phát hiện trước khu vực sạt lở có vết nứt nhỏ như cọng chỉ kéo dài mấy chục mét. Ai cũng hiểu là nứt đất, nhưng không nghĩ nhanh đến vậy.
“Hôm đó, tôi đang ở trong nhà di chuyển thêm vài món đồ, bỗng nghe đất rùng rùng rung chuyển. Quá sợ, tôi nhanh chân ra khỏi nhà và thảng thốt khi nhìn thấy 14 căn nhà ụp xuống lòng sông mất tăm tích. Rất may, vụ sạt lở xảy ra vào ban ngày, nhiều người đã cảnh giác nên không có thương vong”, bà Xuân thuật lại.
Ông Bùi Cần Thơ tỏ rõ sự sợ hãi khi nhắc lại vụ sạt lở đó. Sáng hôm đó, ông cùng vợ ra đồng làm ruộng, ở nhà còn hai đứa cháu. Khi người hàng xóm điện báo tin sạt lở đất, ông cùng vợ nhanh chóng chạy về, nhưng tìm mãi không thấy hai đứa cháu. Đến khi một người hàng xóm khác cho biết hai cháu đã được người trông giữ, vợ chồng ông mới yên tâm. Sau vụ sạt lở này đã có 106 hộ dân trong vùng phải tìm nơi ở tạm.
Một vụ sạt lở khác cũng làm đảo lộn cuộc sống của người dân là sạt lở trên Quốc lộ 91 qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang), ngày 1-8-2019. Khu vực sạt lở dài hơn 100m cặp sông Hậu.
Bà Phạm Thị Mỹ, người từng chứng kiến vụ sạt lở, kể lại: “Khi nhìn thấy vết rạn nứt trên mặt lộ, tôi vẫn chưa tin là sẽ sạt lở. Nhưng rồi, chỉ ngày sau, vết nứt xé toạc miệng rộng hơn, tôi đành di dời chạy lở bỏ lại căn nhà ven sông từ lâu gắn bó”.
Tại Vĩnh Long, một vụ sạt lở tại khu vực khóm 3, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh đúng ngày mùng ba Tết Tân Sửu. Đất sát ngay bến phà cùng một đoạn đường đan dài hơn 30m đổ sập xuống sông, sáu căn nhà nằm bên miệng Hà Bá. Hiện, khu vực này là một khoảng trống mênh mông ăn sâu vào đất liền. Gần chục căn nhà liền kề đang di dời tìm nơi khác lánh lở.
Ông Phạm Văn An (60 tuổi), ngụ khóm 3, phường Thành Phước, bức xúc: “Vụ sạt lở bờ sông ngày mùng ba Tết khiến cho cuộc sống chúng tôi đảo lộn. Khu vực này thường xuyên sạt lở. Nhà của chúng tôi di dời rất nhiều lần. Hiện, chúng tôi sinh sống tạm bợ ở văn phòng khóm chờ chính quyền chuyển vào khu dân cư”.
Cùng cảnh ngộ, bà Thái Kim Hoàng (70 tuổi), ngụ khóm 3, phường Thành Phước, từ nhiều năm nay sống trong cảnh sạt lở. Năm 2018, khu vực nhà bà Hoàng đang sống yên ổn thì xảy ra sạt lở kéo theo hàng chục căn nhà khác cũng bị ảnh hưởng, tuyến đường giao thông bị cắt đứt hoàn toàn. Sau đó vài tháng, chính quyền địa phương cho phương tiện đến đóng cừ dừa để nối tạm tuyến giao thông, tuy nhiên, không bao lâu lại bị lở tiếp.
Cụ bà Huỳnh Thị Tố, 80 tuổi, ngụ tại ấp Phèn Đen, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cũng từng chứng kiến cảnh sông nuốt đường, nuốt đất. Bà Tố kể: “Rạng sáng hôm đó, khi nghe có tiếng động lạ, tôi mở cửa thì phía trước nhà, vốn là con đường bê-tông và hàng tre, cây đa đã bị nước cuốn ra nửa sông. Tôi vội đánh thức mọi người, nhanh chóng di chuyển đồ đạc ra phía sau và báo chính quyền hỗ trợ. Từ trước đến nay, tôi mới chứng kiến cảnh tượng hải hùng như vậy, chỉ trong một đêm, khoảng sân trước nhà đã biến thành con sông mênh mông nước!”.
Ông Phạm Thế Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn An Lạc Thôn thông tin, trước giờ sạt lở thường xảy ra nơi đầu vàm, nhưng nay sạt lở bờ sông đã hiện diện khắp nơi. Cụ thể, ấp Phèn Đen đã được chính quyền và ngành chức năng khảo sát và không có cảnh báo sạt lở. Nhưng chỉ vài cơn mưa, bờ sông đã lộ ra những vết nứt, do đất bên dưới lún sụt. Cũng ngày hôm đó, tại ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách trong con nước lớn, tuyến lộ bê-tông dài hơn 30m đã bị nước cuốn trôi gây ách tắc giao thông.
Tại TP Cần Thơ, thủ phủ của vùng ĐBSCL, đầu năm đến nay, đã có hai vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên sông Cần Thơ, thiệt hại 17 căn nhà và nhiều tài sản khác.
TP Cần Thơ nằm ven sông Hậu, với chiều dài sông đi qua hơn 65km và có gần 1.200km kênh rạch cấp 1 và cấp 2. Theo phân bố, dân cư sống tập trung ven các con sông, rạch nên việc sạt lở bờ sông, rạch đã và đang đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Đặc biệt, vài năm gần đây, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn Cần Thơ ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Nếu trong năm 2011, TP Cần Thơ chỉ có 24 điểm sạt lở, thì đến 2020, số điểm sạt lở tăng lên hơn 100 điểm với chiều dài khoảng 56km.
Các điểm nóng sạt lở nằm trên sông Cần Thơ, sông Ô Môn, sông Bình Thủy, sông Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn, cồn Khương (quận Bình Thủy), cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Ấu (quận Cái Răng)…
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, hằng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến (điểm) sạt lở, làm mất 5-6km bờ sông, kênh, rạch, thiệt hại gần chục tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2021, có chín điểm sạt lở, dài 639m, ước thiệt hại hơn một tỷ đồng.
... đến xâm thực, sạt lở đê biển
Không chỉ có sạt lở bờ sông, nhiều tuyến đê biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... cũng bị nước biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng. Nặng nề nhất là Cà Mau, địa phương có đến ba mặt giáp biển, cả biển Đông và biển Tây.
Xóm Sào Lưới, một ấp ven biển thuộc xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), nơi đã chứng kiến bao cơn thịnh nộ của biển. Cả xóm có 22 hộ bám biển mưu sinh, gia đình ông Tư Lanh (Nguyễn Văn Lanh, 70 tuổi) là một trong số đó. Lần trước ghé nhà ông, ngay tâm điểm mùa mưa bão, đang bữa cơm chiều thì sóng dữ ập đến.
Cách đó vài bước chân, nhà ông Bảy Lâm, Tư Quỳnh, Tám Cuồng, Tư Hương, Tư Cuộc... cũng chung tình cảnh. Hết triều cường đến sóng dữ tấn công khiến đai rừng phòng hộ Sào Lưới bị xuyên thủng.
Đối đầu trực diện trước sóng lớn, không ít lần, nhà cửa, vật dụng của cư dân Sào Lưới bị cuốn trôi. Gia đình ông Tư Lanh, trong khoảng 10 năm gần đây, đã ba lần cất lại nhà vì thiên tai, sóng dữ.
Không trụ được trước hiểm nguy chực chờ, nhiều hộ ở Sào Lưới phải tìm nơi khác dung thân. “Mùa này còn đỡ, chứ mùa biển động vợ chồng tôi thức trắng đêm, lở có gì còn kịp chạy thoát thân. Vợ chồng tôi cũng muốn đi khỏi nơi nguy hiểm này lắm, nhưng đi nơi khác sống bằng nghề gì…(?)”, ông Tư Lanh than.
Sào Lưới nằm dọc phía bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau. Đây cũng là mùa bình yên nhất trong năm, đò đưa chúng tôi từ Rạch Xẻo Sâu (xã Rạch Chèo) đến Cái Đôi Nhỏ (thị trấn Cái Đôi Vàm) rồi vòng qua Vàm Giáo Bảy, khu vực Cống Kinh Mới, Đá Bạc… thuận lợi.
Dọc tuyến biển, khá nhiều vị trí bờ biển bị khoét sâu như hình răng cưa. Những cây mắm, cây đước gần chục năm tuổi bị sóng bứng bật gốc, nằm la liệt… chờ chết. Trên tuyến, phần lớn dân cư ven biển được di dời qua sau con đê phòng hộ biển Tây, có an toàn hơn nhưng rủi ro vẫn rình rập. Như sự cố vào chiều 3-8-2019, triều cường và sóng dữ cao gần 8m thình lình ập vào bờ biển Tây, đoạn Kinh Mới - Đá Bạc.
Hơn nữa giờ đây, đê biển bị sạt lở loang lổ, có nơi bị khoét sâu vào tới đường bê-tông. Thiên tai đã khiến gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời và ba hộ lân cận mất toàn bộ nhà cửa và tài sản.
“Sóng cao hơn nóc nhà, tràn qua dãy rừng lưa thưa ngoài đê Ðá Bạc rồi ập vào nhà tôi. Bảy người trong gia đình chỉ kịp chạy ra thoát thân trước khi nhà đổ sập”, bà Huyền vẫn còn ám ảnh.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng tránh thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết, sự cố sóng dữ, triều cường chiều ngày 3-8-2019, làm sạt lở toàn tuyến bờ biển Tây với tổng chiều dài hơn 12,5km, gây ngập và làm hư hỏng hơn 1.800 nhà dân khu vực ven biển, 2,5km đường giao thông và nước mặn tràn vào làm hư hại hơn 108 ha lúa hè thu... tổng giá trị thiệt hại quy ra tiền hơn 30 tỷ đồng.
Đê biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang, công nhân đang thi công gia cố đoạn Tiểu Dừa - Kim Quy (thuộc xã Vân Khánh Tây và Vân Khánh, huyện An Minh). Đây là đoạn đê bị sạt lở nặng vào mùa mưa năm ngoái.
Ông Thái Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh cho biết, đoạn đê quốc phòng qua xã Vân Khánh đã được gia cố xong hơn 300m, phần còn lại đang gấp rút thi công. “Công trình đê được gia cố chắc chắc, bà con vui mừng lắm. Trước đây, vào mùa mưa bão mọi người nơm nớp lo sợ bị sóng biển đánh trôi nhà cửa. Năm 2019, chúng tôi vận động được 50 hộ dân sống cạnh tuyến đê di dời nhà. Còn khoảng 50 hộ do cuộc sống khó khăn, bà con bám trụ mưu sinh nghề biển nên năm ngoái bị thiệt hại nhiều”, ông Bích nói.
Nhớ lại vụ sạt lở đê biển vào giữa tháng 7-2020, ông Trương Văn Tèo, ngụ ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, nói: “Mưa to, gió lớn, sóng từ biển đánh vào liên tục, cả nhà không ai dám ngủ. Hàng trăm hộ dân đang ở đây, rất hoang mang không biết khi nào sóng cuốn trôi nhà mình”.
Còn ông Nguyễn Văn Thía, ấp Kim Quy, xã Vân Khánh cho biết: “Giông lốc, kèm theo mưa lớn và nước biển dâng, nhà tôi bỗng chốc tan hoang, không còn thứ gì. May là gia đình tôi được chính quyền hỗ trợ kịp thời di dời nên không ảnh hưởng đến tính mạng”.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, đợt mưa bão giữa tháng 7-2020, tại địa bàn huyện An Minh có 14 đoạn đê biển, với tổng chiều dài 720m bị sạt lở mở rộng. Cùng thời điểm đó, tại khu phố 6 và khu phố 9, phường Dương Đông, TP Phú Quốc cũng xảy ra sạt lở hai đoạn bờ biển, với chiều dài khoảng 1.700m, ba căn nhà của người dân bị hư hỏng nền, móng.
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2018 đến nay, cơ quan này đã phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL hơn 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách T.Ư, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
(Còn nữa)