Kêu gọi tăng đầu tư vào năng lượng xanh ở châu Phi

Châu Phi không chỉ được đánh giá đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh mà còn có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Ahmed Al Jaber (X.Gia-bơ) kêu gọi tăng cường đầu tư để giúp các quốc gia châu Phi chuyển đổi sang năng lượng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở Rwanda. (Ảnh Eco-Business.com)
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời ở Rwanda. (Ảnh Eco-Business.com)

Theo một báo cáo của Deloitte - một trong bốn ông lớn ngành kiểm toán thế giới, nhờ có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, nhu cầu trong nước thấp và vị trí gần châu Âu, khu vực Bắc Phi sẽ trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới vào năm 2050. Báo cáo có tựa đề "Hydro xanh: con đường dẫn đến phát thải ròng bằng 0" cho biết, ngành công nghiệp này có thể tạo ra doanh thu 110 tỷ USD cho Bắc Phi, chiếm tới gần 40% và dẫn đầu doanh thu của thương mại toàn cầu về hydro xanh vào năm 2050.

Trong đó, Maroc có thể trở thành một trong những nhà sản xuất chính của loại năng lượng sạch này trong tương lai. Trong khi đó, theo Chủ tịch COP28 Al Jaber (An Gia-bơ), châu Phi có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, điện gió và địa nhiệt có thể khai thác nhằm bảo đảm tương lai bao trùm và thích ứng với khí hậu.

Báo cáo của Deloitte liệt kê danh sách các nước và khu vực có kim ngạch xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới còn có Mỹ (63 tỷ USD), Australia (39 tỷ USD), Trung Ðông (20 tỷ USD)... Trong danh sách những quốc gia tiêu thụ hydro xanh, Trung Quốc nổi lên như một trong các thị trường chính.

Theo báo cáo, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất vào năm 2030, với khối lượng 13 triệu tấn mỗi năm. Việc nhập khẩu số lượng lớn hydro xanh sẽ cho phép nước này khử carbon trong các lĩnh vực hoạt động khác. Châu Âu cũng được cho là sẽ tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn, kế tiếp là Nhật Bản và Hàn Quốc với 7,5 triệu tấn mỗi nước. Hai quốc gia châu Á này dự kiến sẽ nhập khẩu 90% nhu cầu hydro xanh từ năm 2030 đến năm 2050, do không có sẵn tài nguyên tái tạo và đất đai.

Các dự án hydro xanh đã được công bố đến nay chỉ đủ đáp ứng 25% nhu cầu của thế giới vào năm 2030, tức là 44 triệu tấn. Con số này cần được tăng lên gấp 6 lần trong vài thập kỷ tới để đạt mục tiêu không phát thải carbon dioxide, tương ứng với sản lượng khoảng 170 triệu tấn vào năm 2030 và gần 600 triệu tấn vào năm 2050.

Những dự báo này tiếp thêm động lực cho các quốc gia Bắc Phi, đặc biệt là Maroc, quốc gia đang thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Gần đây nhất, Maroc và Hà Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác để phát triển hydro xanh ở Vương quốc này. Công ty Mỹ CWP Global, một trong những công ty hàng đầu thế giới về phát triển các dự án năng lượng tái tạo, hiện đang phát triển dự án sản xuất 15 gigawatt (GW) hydro xanh ở vùng Guelmim-Oued Noun, phía nam Maroc. Nhiều dự án khác tại Maroc khi đi vào hoạt động sẽ giúp nước này hưởng lợi từ nguồn tài chính đáng kể nhờ xuất khẩu hydro xanh.

Trước tiềm năng về năng lượng tái tạo ở châu Phi, Chủ tịch COP28 cho rằng, các chính sách và quy định thông minh, tài chính đổi mới sáng tạo và tiếp thu các công nghệ sạch chính là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình khử carbon trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và sản xuất của châu Phi.

Các dự án thanh niên khởi nghiệp ở châu Phi cần được hỗ trợ tài chính, đào tạo và liên kết thị trường, qua đó giúp tăng cường đổi mới sáng tạo xanh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái. Sự lãnh đạo tập trung, quan hệ đối tác, cải cách chính sách và lập pháp cũng là những yếu tố quan trọng để mở nguồn tài chính cho các dự án năng lượng xanh ở châu Phi, góp phần thực hiện mục tiêu được đưa ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, theo đó hạn chế mức tăng nhiệt trên phạm vi toàn cầu ở mức 1,5oC ■