Kết nối khu vực ASEAN+3 để khai thác khoáng sản bền vững

NDO -

Ngày 7/10, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14 (14TH ASOMM+3) theo hình thức trực tuyến ở 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ban Thư ký ASEAN.

Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14.
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 14.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã và đang thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ngày càng tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới. Các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động hiệu quả, đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ cao, thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại nhằm thu hồi tối đa sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Qua đó, thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN+3 và trên thế giới, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về đối ngoại trong công tác bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên và khoáng sản. Việt Nam đã góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các khuôn khổ song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong lĩnh vực khoáng sản.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, chúng ta chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác về khai thác khoáng sản đã được triển khai và đạt được kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là sự góp mặt của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khi từng bước đưa ra những đề xuất và hỗ trợ rất cụ thể cho các kế hoạch tổng thể về khai khoáng khu vực ASEAN. Ngoài ra, từng bước, chúng ta đã cùng nhau xây dựng và đưa ra được quan điểm về khai thác khoáng sản bền vững tại các Hội nghị trên thế giới.

“Chúng ta đã cùng nhau quan tâm, thảo luận, thống nhất và triển khai các nội dung hợp tác khác như chương trình công viên địa chất ASEAN, Chương trình giải thưởng khai thác khoáng sản trong cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quản lý hiệu quả trong khu vực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thanh Thảo nói.

Bà Nguyễn Thanh Thảo mong muốn thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực ASEAN+3, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện; thúc đẩy khai thác bền vững hướng tới bảo vệ môi trường và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao về khai khoáng; và xây dựng môi trường xanh….

Đồng thời, các nước ASEAN+3 cần hỗ trợ ngành khai khoáng khu vực phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch; duy trì và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm khoáng sản một cách bền vững và bổ trợ lẫn nhau; tăng cường hợp tác tài chính, tận dụng khoa học công nghệ, huy động đầu tư tư nhân cho hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính xanh và phát triển nguồn nhân lực ngành khai khoáng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề sẽ đưa ra trao đổi và xin ý kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Khoáng sản ASEAN (AMMIN). Đồng thời, tổng kết hoạt động của ASOMM+3 lần thứ 13; đánh giá các hoạt động, xây dựng kế hoạch hợp tác và đề xuất các chương trình, dự án hợp tác về khoáng sản giữa ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Qua đó, ghi nhận việc triển khai Kế hoạch hợp tác khoáng sản ASEAN+3 giai đoạn 2016 - 2020.

Hội nghị đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ không ngừng của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc thúc đẩy trao đổi thông tin kỹ thuật và các mô hình thực hành tốt nhất về thông tin và cơ sở dữ liệu, phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ của khoa học địa chất và phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản.

Ba nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng đưa ra các nội dung về phát triển công nghiệp khai khoáng, các chính sách, nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm phát triển khoáng sản bền vững, chính sách đầu tư thăm dò và chiến lược thăm dò ở nước ngoài; kế hoạch phục hồi khai khoáng trong tình hình dịch Covid-19 và quan điểm về triển vọng khoáng sản toàn cầu cũng như các thách thức chính đối với ASEAN và các nước +3, trong đó có quan điểm về những khu vực phải đối mặt với thách thức này như thế nào.

Các đại biểu tham gia hội nghị tin tưởng Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022-2025 sẽ theo đuổi cải tiến chính sách trong chuỗi giá trị khoáng sản và quản trị khoáng sản bền vững, xây dựng cơ sở dữ liệu khoáng sản ASEAN hiệu quả tạo điều kiện đầu tư cần thiết vào công tác thăm dò và phát triển khoáng sản trong khu vực.