Kết nối hệ thống đô thị ven biển Bắc Trung Bộ

Thời gian qua, tại khu vực Bắc Trung Bộ đã hình thành chuỗi các đô thị ven biển bước đầu tạo mối liên kết, là động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, để chuỗi đô thị này phát huy hơn nữa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu thì cần có các giải pháp xây dựng đô thị hiện đại, đồng bộ và mang tính kết nối cao.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đô thị ven biển Cửa Việt (Quảng Trị).
Khu đô thị ven biển Cửa Việt (Quảng Trị).

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hiện có 97 đô thị, trong đó, Thanh Hóa là tỉnh có số đô thị nhiều nhất trong cả nước và trong tiểu vùng, với 35 đô thị.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Hệ thống các đô thị ven biển ở Bắc Trung Bộ có những điều kiện thuận lợi về kết nối không chỉ với các đô thị trong vùng mà còn với toàn quốc và quốc tế. Về đường bộ, tuyến Quốc lộ 1A đi qua 28 đô thị của 5 tỉnh trong tiểu vùng, kết nối hầu hết các đô thị ven biển, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc Quốc lộ 1A. Ngoài ra, một số đô thị ven biển tại khu vực cũng gắn liền với những cảng biển có điều kiện thuận lợi kết nối nội địa và quốc tế như cảng biển nước sâu Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), cảng biển nước sâu Cửa Lò (Nghệ An), cảng Sơn Dương-Vũng Áng (Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ có rất nhiều cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam-Lào tạo điều kiện tăng cường giao thương với các nước láng giềng.

Những năm qua, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, nhất là vùng ven biển, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các tỉnh ở Bắc Trung Bộ đã xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn liền việc phát triển đô thị đã góp phần tạo ra cực tăng trưởng kinh tế của từng địa phương. Trong khu vực hiện có 39 khu công nghiệp tạo ra hàng vạn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động, trong đó có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp như: Nghi Sơn, Ðông Nam Nghệ An, Vũng Áng… gắn với đô thị ven biển. Kết quả này tác động tới việc hình thành nên các đô thị hạt nhân và vùng kinh tế động lực của Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, tiểu vùng có đường bờ biển dài và nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng. Trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực đã quy hoạch, xây dựng, biến các vùng cát có cảnh quan đẹp thành các đô thị du lịch biển để thu hút du khách. Tiêu biểu là thành phố Ðồng Hới. Gần một thập kỷ trước, dù điều kiện còn nhiều khó khăn song lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã quyết định dành 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hợp đồng với Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản đến lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Ðồng Hới. Với trục ngang là đường nối 2 cây cầu bắc qua sông Nhật Lệ và tuyến đường "xương sống" rộng 80m chạy dọc Bảo Ninh, các nhà lập quy hoạch đến từ Nhật Bản đã tạo "điểm nhấn" trong việc xây dựng các đô thị mới trên vùng cát Bảo Ninh với hàng loạt khu đô thị, resort, khu nghỉ dưỡng ven biển, không gian xanh, hồ nước. Vùng đất ở Bảo Ninh với diện tích gần 2.000ha được tạo điều kiện để phát triển thành phố Ðồng Hới về phía đông, hướng đi phù hợp với xu thế phát triển du lịch biển-lợi thế của các tỉnh duyên hải miền trung. Bây giờ, với trọng tâm là dòng Nhật Lệ, phía bờ tây thành phố Ðồng Hới là phố thị vươn mình với những khối nhà cao tầng, phía đông là bán đảo Bảo Ninh đang chuyển mình thành trung tâm đô thị biển và du lịch, dịch vụ sầm uất, là điểm đến của nhà đầu tư và khách du lịch tại Quảng Bình.

Liên kết phát triển thuận lợi

Theo đại diện Bộ Xây dựng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị ven biển trong khu vực cho thấy còn những khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó, xuất phát điểm nền kinh tế của các tỉnh còn thấp, nguồn thu còn hạn chế nên việc đầu tư phát triển đô thị chưa tương xứng với tiềm năng. Toàn bộ 12 đô thị ven biển trong khu vực đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ hằng năm, nhất là các trận bão lớn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với tần suất ngày càng tăng, ô nhiễm môi trường biển cũng là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của các tỉnh ven biển. Thêm một hạn chế nữa, đó là tại một số đô thị mới xảy ra tình trạng dự án chiếm giữ đất để chờ thời cơ trong khi chính quyền các địa phương chưa kiên quyết xử lý.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, để các đô thị ven biển vùng Bắc Trung Bộ phát huy hơn nữa hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương cần tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới, nhất là giao thông, tạo động lực phát triển và kết nối thuận lợi với các đô thị lớn, kết nối nông thôn - đô thị. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, tập trung vào nhóm đô thị ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các tỉnh rà soát, xử lý các dự án đầu tư xây dựng ven biển chậm triển khai để bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng đất đai, bảo vệ cảnh quan môi trường và trật tự đô thị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, định hướng phát triển vùng đô thị của tỉnh là bám theo hành lang ven biển, gắn với các trục giao thông quan trọng Quốc lộ 1A, đường ven biển. Trong đó, để phát triển vùng đô thị ven biển, Nghệ An tập trung nguồn lực cho hệ thống đô thị dịch vụ ven biển gắn với dự án đường ven biển và hình thành đô thị công nghiệp dọc theo hành lang giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc bắc-nam.

Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị Nguyễn Thanh Hải cho biết, tỉnh Quảng Trị định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lấy thị trấn Cửa Việt làm đô thị trung tâm để tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá; đô thị Cửa Tùng tập trung phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa... Tỉnh đang quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, dựa vào biển và hướng ra biển để vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia...

Ba năm gần đây, các tỉnh Bắc Trung Bộ ưu tiên nguồn lực đầu tư dự án tuyến đường ven biển để làm động lực cho vùng cát. Theo lãnh đạo các tỉnh trong khu vực, tuyến đường ven biển không chỉ giúp kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền của từng địa phương, bảo đảm an ninh-quốc phòng và phòng, chống thiên tai, giải quyết ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ tại địa bàn mà còn tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, là cơ sở phát triển các khu đô thị ven biển của các tỉnh. Trong tương lai gần, khi tuyến đường ven biển xuyên tiểu vùng hoàn thành sẽ mở ra nhiều tiềm năng, lợi thế cho các địa phương để phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng gắn không gian đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và tiểu vùng.