Tại hội nghị, đại diện hai bên thông tin tình hình kinh tế-xã hội, tiềm năng và thế mạnh địa phương để các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu và đẩy mạnh hợp tác phát triển. Các đại biểu đã trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác để kết nối thương mại, đầu tư...
Dịp này, 12 doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng ký kết bản ghi nhớ hợp tác và hợp đồng cung ứng sản phẩm với các đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra Chương trình triển lãm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Lâm Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Công tác chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả khả quan
Sáu tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả khả quan. Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 32.456 tài khoản và hơn 41.570 hồ sơ nộp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Về hạ tầng số, sóng di động 4G phủ đến trung tâm thôn, có 59,47% số hộ gia đình sử dụng internet băng thông rộng, có 92% người dân trong độ tuổi trưởng thành sử dụng internet băng thông rộng di động.
Có 175 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 52,6%; có 98,5% số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh đã chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cho 6.301 đối tượng, đạt tỷ lệ 56,69%. Thương mại điện tử, thuế điện tử, hóa đơn điện tử từng bước phát huy hiệu quả, góp phần chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Hệ thống giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng của tỉnh Kon Tum đã kết nối với hệ thống giám sát an toàn thông tin của quốc gia và có 31/37 hệ thống thông tin đã phê duyệt cấp độ an toàn, đạt 84%.
Thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Đắk Lắk và Nghệ An
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai tỉnh giai đoạn 2019-2024, triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và Nghệ An tìm hiểu sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk. |
Theo thống kê của ngành du lịch hai tỉnh, từ năm 2019 đến hết tháng 6 năm 2024, khách du lịch từ tỉnh Nghệ An đến tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 150.000 lượt; từ tỉnh Đắk Lắk đến tỉnh Nghệ An gần 200.000 lượt. Ngoài ra, khách thăm thân hoặc tự đến Đắk Lắk (và ngược lại) bằng máy bay và ô-tô không qua các công ty lữ hành trên 300.000 lượt. Còn theo thống kê của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, khách đi bằng đường hàng không từ Vinh đến Buôn Ma Thuột từ năm 2019 đến nay và ngược lại là gần 820.000 lượt...
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Nghệ An định hướng hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 tập trung trên bốn lĩnh vực: Trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch; quy hoạch, kêu gọi đầu tư. Nhân dịp này, hai tỉnh cũng giới thiệu hoạt động, sự kiện tiêu biểu bốn tháng cuối năm 2024 và năm 2025 để quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách trong, ngoài nước.
Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sân bay Pleiku
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, sân bay Pleiku sẽ đạt công suất thiết kế dự kiến 4 triệu khách/năm vào năm 2030. Giai đoạn đến năm 2050 tiếp tục mở rộng để đạt 5 triệu khách/năm.
Sân bay Pleiku hiện là sân bay cấp 4C. Sân bay có một đường băng dài 2.400m, rộng 45m, sân đỗ máy bay có 5 vị trí bảo đảm khai thác các loại máy bay Airbus A320, A321 và tương đương. Cục Hàng không đề xuất, thời kỳ 2021-2030, sân bay Pleiku vẫn là sân bay cấp 4C theo mã tiêu chuẩn của ICAO và sân bay quân sự cấp II, nhưng công suất được nâng lên 4 triệu hành khách và 4.500 tấn hàng hóa mỗi năm; tầm nhìn đến năm 2050, công suất sân bay Pleiku được nâng lên 5 triệu khách và 12.000 tấn hàng hóa/năm.