Văn phòng Tổng thống cho biết chính phủ của ông Draghi vẫn tiếp tục nắm quyền để xử lý các công việc hiện tại cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, sớm nhất là vào đầu tháng 10 tới.
Tổng thống Mattarella sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, trong đó bao gồm việc tiến hành tham khảo ý kiến từ các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị sắc lệnh giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử trong vòng 70 ngày kể từ khi giải tán Quốc hội.
Các đảng phái ở Italia đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu Luigi Scazzieri, cho rằng, một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italia và Liên minh châu Âu (EU)”.
Thủ tướng Draghi đã từ chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầy sóng gió tại Thượng viện, khi 3 đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Phong trào 5 Sao (M5S), Forza Italia và Liên đoàn từ chối tham gia bỏ phiếu.
Quyết định của Thủ tướng Draghi thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác phương Tây và các tổ chức châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng hiện nay.
Từ Mỹ, Nhà trắng ra tuyên bố khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ với Italia và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Rome trong một loạt vấn đề ưu tiên. Từ Brussels, Cao ủy châu Âu về kinh tế Paolo Gentiloni cảnh báo sắp tới sẽ là một “giai đoạn khó khăn”.
Theo giới phân tích, việc Thủ tướng Draghi từ chức có nguy cơ đẩy Italia vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Sự ra đi của ông Draghi cũng có thể gây rủi ro cho việc Italia nhận được tài trợ từ quỹ phục hồi Covid-19 của EU vào thời điểm nền kinh tế đứng trước nhiều sức ép.