Iraq vật lộn với khó khăn chồng chất

Lãnh đạo Iraq cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực thành lập chính phủ mới sau khi 73 nghị sĩ quốc hội từ chức trong bối cảnh bế tắc chính trị kéo dài tại nước này. Bất đồng trên chính trường đẩy quốc gia Trung Đông vốn bị xung đột tàn phá vào khó khăn chồng chất, đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Toàn cảnh phiên họp quốc hội Iraq tại thủ đô Baghdad ngày 9/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp quốc hội Iraq tại thủ đô Baghdad ngày 9/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Iraq rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc bầu cử tháng 10/2021 và các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các đảng phái đến nay vẫn chưa tạo được một liên minh đa số để chọn ra một thủ tướng mới kế nhiệm ông Mustafa al-Kadhemi. Các nghị sĩ Iraq đã ba lần thất bại trong việc bầu ra một tổng thống mới, bước quan trọng đầu tiên trước khi chọn ra một thủ tướng và sau đó là thành lập chính phủ mới. Hai nhóm theo dòng Shi’ite trong Quốc hội gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm thủ tướng. Dù liên minh của giáo sĩ Sadr còn bao gồm các nghị sĩ theo dòng Sunni trong đảng của Chủ tịch Quốc hội al-Halbussi và đảng Dân chủ người Kurd (KDP), song con số 155 nghị sĩ vẫn thấp hơn mức đa số cần thiết trong Quốc hội gồm 329 thành viên.

Các nghị sĩ Iraq hiện đã hết thời gian để thành lập chính phủ mới theo Hiến pháp, khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài. Nếu Quốc hội không giải quyết được bế tắc hiện nay, Iraq có khả năng phải tiến hành các cuộc bầu cử mới, song điều này đòi hỏi các nghị sĩ phải nhất trí giải tán cơ quan lập pháp. Nhằm chấm dứt tình trạng tê liệt của Quốc hội suốt tám tháng qua, Chủ tịch Quốc hội Iraq al-Halbussi thông báo các nghị sĩ thuộc khối của giáo sĩ Sadr đã từ chức. Mặc dù Chủ tịch Quốc hội đã chấp thuận đơn từ chức, song Quốc hội vẫn cần bỏ phiếu để thông qua vấn đề này. Việc các nghị sĩ trong khối Sadr từ chức khiến trách nhiệm thành lập chính phủ thuộc về 83 nghị sĩ trong nhóm Coordination Framework.

Do chưa thể bầu ra tổng thống và thủ tướng mới, chính phủ tạm quyền của Iraq hiện không có ngân sách hằng năm. Quốc hội Iraq phải thông qua một dự luật cho phép chính phủ sử dụng các quỹ công để giải quyết các vấn đề cấp bách như lương thực, dịch vụ công trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, dự luật tài chính khẩn cấp trao quyền cho chính phủ tạm quyền phân bổ 17,14 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu cấp bách về an ninh lương thực, giảm đói nghèo. Khoảng 3,4 tỷ USD trong số tiền trên sẽ được sử dụng để mua ngũ cốc. Dự luật cũng phân bổ 2,6 tỷ USD cho việc dàn xếp các khoản nợ khí đốt, điện của Iraq và chi trả các hợp đồng năng lượng từ nước ngoài. Dự luật cũng nhằm củng cố thị trường việc làm, tối đa hóa lợi ích từ các nguồn lực của chính phủ, tạo đà phát triển kinh tế, cấp kinh phí để các dự án, vốn bị đình trệ do thiếu ngân sách, hoạt động trở lại.

Dự luật tài chính khẩn cấp giúp Iraq thanh toán các khoản nợ cho Iran nhằm bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt và khắc phục tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng, cũng như mua thêm ngũ cốc để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Quốc gia này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng lương thực khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sản lượng nông nghiệp của Iraq đã giảm 17,5% trong năm ngoái, do hạn hán nghiêm trọng, thiếu điện triền miên và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trên thị trường toàn cầu. Mặc dù là quốc gia có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt, Iraq vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Quốc gia láng giềng Iran hiện cung cấp một phần ba nhu cầu khí đốt và điện cho Iraq, song nguồn cung cấp thường xuyên bị cắt giảm, khiến cho tình trạng thiếu điện tại Iraq ngày càng trầm trọng thêm. Iran đã yêu cầu Iraq thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ USD mà nước này đã mua khí đốt hồi đầu tháng 6 vừa qua. Việc thanh toán nợ là điều kiện quan trọng để Iraq bảo đảm nguồn cung năng lượng cho các nhà máy điện khi nước này bước vào mùa hè nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ thường hơn mức 50oC ■

THÁI THANH