Điểm thời sự

Iraq cảnh giác với "bóng ma" khủng bố

Sau khi giải phóng Mosul, thành trì cuối cùng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, quốc gia Trung Ðông này bước vào giai đoạn tái thiết gian nan. Các phần tử IS vẫn len lỏi trong các vùng lãnh thổ Iraq. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cảnh báo thế giới không nên lơi lỏng, chủ quan trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Lực lượng dân quân Iraq tham gia chiến dịch mới chống IS tại Tan A-pha.
Lực lượng dân quân Iraq tham gia chiến dịch mới chống IS tại Tan A-pha.

Lực lượng quân đội chính phủ Iraq đã giành lại sự kiểm soát tại những thành phố lớn nhất của tỉnh An-ba, như Pha-lu-gia, Ra-ma-đi và một số nơi khác. Tuy nhiên, các thị trấn ở phía tây tỉnh An-ba như An-na, Ca-im và Ra-oa vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS kể từ năm 2014, thời điểm chúng tuyên bố thành lập "Vương quốc Hồi giáo". Các nguồn tin quân sự Iraq cho biết, IS vẫn kiểm soát 80% vùng sa mạc phía tây tỉnh An-ba của Iraq, ngoài việc chiếm giữ các tuyến quốc lộ gần các thành trì của IS ở thị trấn An-na, Ra-oa và Ca-im. Từ khu vực này, IS đã tiến hành các cuộc tiến công đẫm máu nhằm vào quân chính phủ và các lực lượng bán quân sự.

Giới chức tỉnh An-ba mới đây cho biết, hơn 4.000 gia đình tại khu vực phía tây tỉnh bị các tay súng IS vây hãm và sử dụng làm "lá chắn sống". Hàng chục dân thường bị giết hại vì bị tình nghi làm do thám cho các lực lượng Iraq hoặc cộng tác với các chiến binh bộ lạc. Tuy nhiên, hiện Iraq chưa thể tiến công nhằm giải phóng khu vực phía tây tỉnh An-ba do trận chiến tại Mosul chưa hoàn toàn kết thúc. Thủ tướng Iraq đã lên kế hoạch với quyết tâm giải phóng các khu vực đang bị IS kiểm soát, bao gồm cả Tan A-pha, một thị trấn đa sắc tộc thuộc tỉnh Ni-nê-vê, nằm cách thành phố Mosul 70 km về phía tây, bị IS chiếm đóng từ năm 2014. Các cuộc không kích đã sẵn sàng với sự tham gia của tất cả các lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng bán quân sự có thành phần chủ yếu là người Hồi giáo dòng Si-ít và những tay súng bộ lạc Hồi giáo dòng Xun-nít. Trước đó, trong chiến dịch giải phóng Mosul, lực lượng người Hồi giáo dòng Si-ít chỉ được phép tham chiến ở những vùng đất bên ngoài thành phố của người Xun-nít này. Sự tham gia của lực lượng dòng Si-ít tại khu vực đa sắc tộc ở nơi người Xun-nít chiếm đa số có nguy cơ làm dấy lên những căng thẳng sắc tộc. Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có phần lớn người Xun-nít sinh sống, cũng bày tỏ lo ngại về sự tham gia của người Si-ít trong chiến dịch mới tại Iraq.

Bên cạnh việc phát động chiến dịch mới, Thủ tướng Iraq al-Abadi cũng kêu gọi các đảng phái chính trị cùng hành động như các tư lệnh quân đội nhằm đánh bại IS thay vì tranh đấu với nhau để đạt các mục đích chính trị. Ông al-Abadi nhấn mạnh, các nước trên thế giới tham gia và ủng hộ Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vì họ nhận thấy quyết tâm thật sự của Iraq trong cuộc chiến chống IS. Thủ tướng Iraq còn cho biết đã trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết nhằm truy tố các nhóm khủng bố, cũng như những đối tượng hợp tác và cộng tác với IS trước mối lo ngại những kẻ khủng bố có thể trở lại với một vỏ bọc mới. Ngoài ra, theo ông al-Abadi, cần ngăn chặn các nguồn tuyển dụng và tài trợ cho IS.

Theo các quan chức an ninh cấp cao của Iraq, có tới 7.000 tay súng IS vẫn hoạt động tại Iraq sau khi nhóm khủng bố này thất thủ hoàn toàn tại Mosul. Ước tính, 4.000 chiến binh cùng 3.000 phần tử ủng hộ mà IS thuê và trả lương vẫn đang hoạt động tại Iraq. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố rằng các chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria đã loại khỏi vòng chiến đấu 45 nghìn chiến binh IS, giảm tổng số tay súng của nhóm khủng bố này xuống còn khoảng 15 nghìn tên.

Một số nước trong khu vực bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Iraq khôi phục an ninh, ổn định tình hình cũng như quá trình tái thiết. Tuy nhiên, công cuộc tái thiết ở Iraq rất khó khăn khi các phần tử IS vẫn ẩn náu ở nhiều nơi trên đất nước này. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, hơn 830 nghìn dân thường vẫn tha hương và chưa trở về nhà, sau khi chiến dịch quân sự giải phóng thành phố Mosul từ tay các phiến quân IS kết thúc.