Iraq: 10 năm sau Chiến dịch tự do

NDO -

NDĐT-Một thập kỷ sau khi Liên quân do Mỹ cầm đầu tiến quân vào Iraq, quốc gia này hiện vẫn là một nơi của các tiến trình chắp vá và một hệ thống chính trị vô hiệu.

Iraq sau 10 năm vẫn là một nơi của các tiến trình chính trị chắp vá
Iraq sau 10 năm vẫn là một nơi của các tiến trình chính trị chắp vá

Lưỡng Hà, cái tên cổ xưa của Iraq, có nghĩa là “vùng đất giữa các dòng sông”. Mặc dù vậy, ngày nay không phải là những đường ranh giới bao quanh mà chính là những đường ranh giới chia cắt đất nước này, mới là quan trọng nhất. Ở miền bắc và miền nam Iraq, người dân đang được chứng kiến sự biến đổi xã hội từ trạng thái bị tổn thương sâu sắc trở thành một thế giới nhiều triển vọng.

Người dân trong các vùng lãnh thổ tương đối độc lập của người Kurd và các tỉnh nhiều giàu mỏ của người Shitte đã được hưởng sự hòa bình và công bằng cũng như sự thịnh vượng ngày càng lớn. Tuy nhiên, giữa những khu vực này, các khu vực ở trung tâm của đất nước vẫn bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp về tôn giáo và dân tộc, sự chia rẽ bè phái chính trị sâu sắc và sự can thiệp của nước ngoài...

Mười năm sau cuộc xâm lược được gọi với cái tên mỹ miều là Chiến dịch Tự do Iraq, và chỉ 15 tháng sau khi những đơn vị quân đội Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước này, nước Mỹ hầu như chẳng để lại được dấu ấn nào. Ngoài một Đại sứ quán Mỹ khổng lồ ở thủ đô Baghdad, những đài kỳ niệm chiến thắng là những hàng rào bê tông và trạm kiểm soát kiên cố, hàng đống xe cộ bị loại bỏ, những người lính Iraq ăn mặc như những người lính Mỹ với kính mát trên mắt, kính nhìn đêm gắn trên mũ sắt, đèn laser và súng trường M4 đeo bên người họ. Ít hữu hình nhưng rộng khắp hơn là những hy vọng tiêu tan và những lời hứa hẹn không được thực hiện.

Nghe có vẻ cay nghiệt nhưng thậm chí đối với cả những người Iraq có những ký ức cay đắng nhất về cuộc xâm lược và chiếm đóng, với số người chết chưa bao giờ được công bố chính xác, cũng thừa nhận rằng nếu không có quân đội nước ngoài thì họ sẽ không bao giờ có thể lật đổ được Saddam Hussein, người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước này trong suốt 30 năm cho tới năm 2003. Ông Sarmand al-Taie, một nhà báo Iraq ví von: “Họ đã giúp bật nắp ngôi mộ mà chúng tôi đang sống trong đó. Và việc chúng tôi không hoàn toàn trèo ra được khỏi ngôi mộ không hoàn toàn là lỗi của họ”. Vâng, những người Mỹ đã tạo ra những sai lầm khủng khiếp, nhưng chúng ta cũng chẳng khác gì, một điệp khúc quen thuộc.

Các thành phố, không lâu sau đó

Baghdad, nơi sinh sống của khoảng gần một phần năm trong số 33 triệu dân Iraq, vẫn là một mê cung với các trại lính và hàng rào an ninh. Nếu một người dân muốn di chuyển từ khu vực buôn bán cũ của thành phố tới Quảng trường Firdos, chỉ cách nhau 3km theo đường chim bay, họ sẽ phải đi mất khoảng 21km đường vòng.

Người Iraq chịu đựng đi qua hàng loạt những trạm kiểm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ bị đánh bom hay bị trúng đạn. Số lượng các cuộc tấn công đã giảm một cách đáng kể kể từ sau cuộc xung đột đẫm máu giữa các phe phái hồi năm 2006-2007, và bảy trong số 18 tỉnh thành của Iraq có tỷ lệ các vụ giết người thấp hơn cả của Canada. Nhưng ở Baghdad và các tỉnh lân cận, xung đột vẫn xuất hiện trở lại với mật độ ngày càng cao. Vào ngày 17-2, một loạt các vụ đánh bom xe ở các khu vực đông người Shitte sinh sống ở Baghdad đã làm 30 người thiệt mạng.

Thành phố thủ đô này cũng có một vài tòa nhà và cửa hàng lớn. Nhưng chúng là thứ hiếm hoi và điều đó cho thấy nguồn đầu tư tư nhân vẫn còn rất nhỏ giọt. Một đội quân những người bán rong đông đảo len lỏi bán hàng giữa dòng người tắc nghẽn trên đường phố phản ánh một thực tế là chưa tới 40% người Iraq trưởng thành có nghề nghiệp tử tế, và có tới một phần tư hộ gia đình ở quốc gia này hiện đang sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, một con số thống kê hầu như không có gì cải thiện so với thời mà Iraq phải hứng chịu lệnh trừng phạt của LHQ hồi những năm 1990. Khi được hỏi trường ĐH Mustansiriya, một quan chức đã rầu rĩ trả lời rằng có khoảng 12 nghìn sinh viên, “đồng nghĩa với việc mỗi năm chúng tôi đã bổ sung thêm khoảng 4 nghìn người thất nghiệp”.

Umm Wafa, một người mẹ cùng ba đứa con gái đang chia sẻ chỗ ở với khoảng 580 gia đình khác trong một bệnh viện quân sự bị bỏ hoang ở vùng ngoại ô đói rách của thành phố, ước tính rằng chỉ có khoảng 5% số láng giềng của cô là có nguồn thu nhập ổn định. Căn nhà mà cô bị buộc phải rời bỏ ở quận Dora ở gần đấy, giờ đã bị những người láng giềng người Sunni thù địch chiếm mất. Cô không nhận được sự hỗ trợ gì từ phía nhà nước, và cũng chẳng nhận được đồng bồi thường nào cho mảnh đất đã bị chiếm mất của mình bất chấp lời hứa hẹn của chính quyền từ bảy năm nay. Ngoài ra, có khoảng một nửa trong số 370 nghìn người tị nạn trong nước khác hiện cũng đang phải trú chân trong các khu định cư tạm bợ như vậy.

Sau khi vượt qua khoảng hơn một chục trạm kiểm soát và 150km đường cao tốc về phía nam, bức tranh đã trở nên khác biệt một cách ấn tượng. Những chiếc cầu vượt được thắp sáng bằng đèn sử dụng năng lượng mặt trời, những bãi đỗ xe nhiều tầng và các chuỗi khách sạn quây quanh khu trung tâm Najaf, tiêu điểm của vùng đất thánh của người Shia. Điểm đáng chú ý nhất của thành phố, lăng mộ của Imam Ali, đã được phủ một lớp mạ vàng mới trên mái vòm của nó. Một khu quảng trường mở rộng trị giá 600 triệu USD, rộng 56 nghìn mét vuông, được thiết kế bởi các kiến trúc sư Iran, giúp làm tăng gấp ba lần diện tích của khu lăng mộ này. Phòng thương mại khoe khoang về lượng đầu tư nước ngoài lên tới 7 tỷ USD. Ông Haidar Salman, một giáo sư của trường ĐH Hồi giáo của thành phố, nói: “Tôi rất lạc quan về tương lai của thành phố này, nhưng không lạc quan lắm về tương lai của Iraq”.

Những trường dòng Shia của Najaf, từng rất nổi tiếng trong lịch sử, trong giai đoạn Saddam cai trị đã từng bị phủ bóng bởi những đối thủ ở vùng đất thánh Qom của Iran. Lãnh tụ Hồi giáo Fouad al-Torfi, một giáo sĩ Hồi giáo từng bị cầm tù bởi cả chế độ Saddam lẫn những người Mỹ chiếm đóng, cho biết giờ đây họ đã giành lại vị thế của mình. Đại thủ lĩnh Ali al-Sistani của Najaf được hầu như toàn bộ 150 triệu người Shia trên thế giới thừa nhận như ánh sáng chói chang nhất của kỷ nguyên. Hầu hết các giáo chức dòng Shia, trong đó có cả những người Iran, đã mở văn phòng ở đây.

Sự thức tỉnh của “thánh địa Mecca” của người Shia được thúc đẩy bởi một khu vực kinh tế tư nhân năng động. Điều tương tự cũng đã xảy ra ở các khu vực của người Kurd. Ở nơi này người dân thậm chí còn có thể được sử dụng điện 24 giờ mỗi ngày. Mặc dù vậy, ở khu vực trung tâm đất nước, tình trạng hành chính quan liêu, xung đột về chính trị và tình hình bất ổn kéo dài đã gây cản trở cho sự phát triển của Iraq. Nhà nước tuyển dụng khoảng 3,5 triệu người, tương đương khoảng 65% lực lượng lao động và tiêu tốn khoảng 70% GDP. Ngân sách nhà nước dựa vào nguồn thu nhập vốn hầu như thu được từ lợi nhuận của dầu mỏ, hiện đạt khoảng 8 tỷ USD mỗi tháng. Một cuộc khảo sát gần đây do Cơ quan Năng lượng Quốc tế thực hiện cho thấy lượng xuất khẩu dầu lửa của Iraq có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, mặc dù việc này là không hề dễ dàng.

Gần như trên khắp cả nước, khu vực tư nhân vẫn đang bị hạn chế. Ngân hàng Thế giới xếp Iraq nằm ở vị trí số 165 trong số 185 nước trong bảng xếp hạng mới nhất của họ về môi trường kinh doanh. Cơ quan này nói rằng việc vận chuyển một container hàng ra khỏi Iraq lâu gấp bốn lần, đắt gấp ba lần so với các khu vực khác trên thế giới. Tồi tệ hơn, WB cho biết trong vòng năm năm qua, giới làm luật Iraq không hề tìm cách giúp giới thương nhân tiếp cận nguồn tín dụng dễ dàng hơn hoặc tăng tốc độ thành lập các doanh nghiệp. Các nhà làm luật Iraq quá bận rộn tham gia các cuộc đấu tranh chính trị hay chia chác lợi ích giữa các đảng phái thay vì chú ý tới những điều thiết thực như vậy.

Najaf và miền Nam đang làm tốt hơn nhiều so với Baghdad chủ yếu là bởi những người Shia chiếm đa số ở những khu vực này cảm thấy đã thỏa mãn với những dàn xếp thời hậu chiến. Từ năm 1546, khi thành phố cảng Basra rơi vào tay đế chế Ottoman, cho đến cuộc xâm lược của liên quân NATO năm 2003, nhà nước của người Sunni đã thống trị các thung lũng Tigris và Euphrates, mặc dù phần lớn những vùng đất đông dân của đất nước, phía nam Baghdad, lại chủ yếu là người Shia. Cảm giác bị tước quyền công dân của những người Shia đã lên đến đỉnh điểm dưới sự cai trị của Saddam và những tay sai người Sunni của ông ta, những người coi việc diệt chủng người Kurd và tàn sát những thành viên của các đảng người Shia mà họ cho là có quan hệ với người Iran là một phần trong việc xây dựng đất nước.

Có thể thông cảm được, những người Shia có xu hướng coi vị thế thống trị nền chính trị Iraq của họ hiện nay có liên quan tới sự độc tôn về tôn giáo chính đáng của họ. Kể từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 2005, các đảng phái của người Shia, trong đó có nhiều đảng có sự tham dự của các tăng lữ hoặc có gốc rễ Hồi giáo, đã chiếm được một đa số trong quốc hội Iraq, cũng như văn phòng thủ tướng. Họ kiểm soát chính quyền địa phương ở chín tỉnh phía nam. Những người dân Shia bình thường chia sẻ cùng các doanh nhân người Najaf sự khinh miệt đối với sự bế tắc về chính trị ở Baghdad. Những lời kêu ca của người Sunni về việc họ đang trở thành một tầng lớp thấp, bị gạt ra ngoài lề xã hội mới đã bị tảng lờ.

Kể từ giữa tháng 12-2012, những cuộc biểu tình khổng lồ theo kiểu Mùa xuân A-rập đã được phát động tại các tỉnh có đông người Sunni sinh sống ở phía bắc và tây Baghdad. Nguyên nhân chính là do việc bắt giữ hơn 100 tùy tùng của ông Rafi Issawi, Bộ trưởng Tài chính người Sunni trong chính phủ của ông Maliki. Một động thái tương tự do đơn vị cảnh sát mà thủ tướng Iraq kiểm soát đã buộc ông Tariq al-Hashemi, một phó thủ tướng người Sunny phải lưu vong ra nước ngoài vào năm 2011. Trong trường hợp của ông Issawi, tất cả những người bị bắt, ngoại trừ chín vệ sĩ của ông, đã được thả ngay lập tức, nhưng vụ bắt bớ này vẫn khiến cho sự tức giận vốn được kiềm chế của người Sunny bùng nổ.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà ngoại giao ước tính rằng các cơ quan mật vụ Iraq trong những tháng gần đây đã bắt giữ khoảng 10 nghìn người, trong đó chủ yếu là người Sunni, với các cáo buộc có liên quan tới khủng bố. Con số này cũng tương đương với số người mà quân đội Mỹ đã từng bắt, giam giữ. Chính phủ Baghdad đã giữ lại những khoản lương mà người Mỹ trả cho các chiến binh người Sunni. Những người dân sống tại một số khu vực của người Sunni ở Baghdad là đối tượng thường bị lôi ra khám xét một cách nhục nhã.

Ông Maliki đã đáp lại những cuộc biểu tình của người Sunni bằng những nhượng bộ, hứa hẹn và cả những lời đe dọa úp mở. Một ủy ban mà ông này thành lập ra để lắng nghe những yêu cầu của người Sunni đã tuyên bố rằng họ sẽ sớm thả hơn hai nghìn tù nhân, và khôi phục việc trả lương hoặc tăng lương cho khoảng 74 nghìn chiến binh người Sunni. Bất chấp một vụ rắc rối xảy ra vào tháng 1-2013 khi cảnh sát nổ súng vào một đám đông ở Falluja, một thành phố luôn bất ổn của người Sunni, giết chết năm người, các lực lượng an ninh thường tìm cách tránh đương đầu với những người biểu tình.

Các chính trị gia người Shia đã cảnh báo rằng các cử tri của họ đang ngày càng lo ngại bởi sự xuất hiện các tấm biển ghi những khẩu hiệu của đảng Baath cùng những biểu ngữ mang nội dung cực đoan xuất hiện trong các cuộc biểu tình của người Sunni. Họ lo sợ rằng cuộc nội chiến ở Syria có thể tạo ra một nước láng giềng thời hậu Assad, do người Sunni lãnh đạo và đầy thù địch với họ. Một số người đã nói đến nhu cầu tái vũ trang và chuẩn bị cho một vòng xung đột phe phái mới.

Ông Maliki, người mà lần đầu tiên giành được quyền lực như một thủ tướng thỏa hiệp hồi năm 2005 và sau đó chắp vá cùng với một chính phủ mong manh vào năm 2010, là người phải chịu đựng phần lớn những lời chỉ trích về sự căng thẳng gia tăng này. Động thái chống lại ông Issawi đã gây bối rối cho người dân Iraq và các nhà quan sát nước ngoài, những người coi phản ứng miễn cưỡng của ông Maliki đối với sự giận dữ sau đó là không tương xứng. Mối bất bình của những người Sunni đang cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội vượt không còn chỉ nằm ở các vấn đề lương hay chính sách khắc nghiệt mà đã trở thành môt sự giận dữ về tình trạng tham nhũng tràn lan và nỗi oán giận về khuynh hướng độc tài của ông Maliki

Theo một nhà phân tích thì cho đến nay, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng Iraq có thể tránh được việc quay trở lại tình trạng hỗn loạn. Rất ít người trong giới chính trị gia Iraq nghĩ tới việc sự xung đột sẽ bùng nổ trở lại. Ông này đã chỉ ra những dấu hiệu mà ông đánh giá là tích cực, thí dụ như các cuộc biểu tình của người Sunni cho đến nay vẫn rất ôn hòa, và những lời kêu gọi ông Maliki ra đi hoặc loại bỏ bản hiến pháp năm 2005, một bản dự thảo mà hầu hết các chính trị gia Sunni đã tẩy chay để rồi sau đó lại hối tiếc, đều thất bại trong việc gây sự thu hút. Một số chính trị gia người Shia, trong đó có Muqtada al-Sadr, một tu sĩ trẻ, thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với những đòi hỏi của người Sunni.

Nền chính trị của Iraq là một mớ bòng bong với các đảng nhỏ liên tục thay đổi đồng minh. Trong cuộc bầu cử năm 2010, một liên minh ôn hòa, có khuynh hướng thế tục có tên là Iraqiya thậm chí còn giành được nhiều ghế hơn cả đảng của ông Maliki, nhưng lại rơi vào tình trạng mâu thuẫn. Sự phản đối của giới chính trị gia về những cải cách nghe có vẻ hợp lý và có khuynh hướng vận động ngầm và tư tưởng bè phái đã củng cố vị thế của ông Maliki cũng như quyết tâm chia rẽ và cai trị của ông ta.

Rắc rối với các nước láng giềng

Những nỗ lực của ông Maliki nhằm kiểm soát các quyết định bổ nhiệm quân sự, sử dụng các đặc quyền nhà nước để thu phục các phần tử ly khai từ các lực lượng đối lập, sự lạm dụng quyền lực cảnh sát . Tuy nhiên, những điều này cũng có thể được coi như các cách phản ứng tự nhiên trước các áp lực đè nặng lên ông Maliki. Một nhà ngoại giao ở Baghdad nói: “Tôi không chắc chắn rằng có ai đó sẽ hành động khác đi, và phe đối lập cũng đưa ra được một phương án khác.

Việc ông Maliki chuyển hướng sang những người ngả theo Iran khiến các nhà ngoại ngoại giao phương Tây khó chịu. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng điều này không thể tránh được. Các nhà tài trợ Cộng hòa Hồi giáo đã vài lần trang bị vũ khí cho các phe phái Shia. Và điều này cũng khiến các nước phương Tây và những người theo dòng Sunni không thỏa mái, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa bay qua không phận Iraq để củng cố chế độ dần sụp đổ Assad ở Syria. Nhưng điều này không có nghĩa rằng Iraq hoàn toàn ngả theo Iran. Rất ít các nhà lãnh đạo Iraq dòng Shia tán thành tư tưởng nhà nước velayat-e faqih của Iran. Và trong việc tăng xuất khẩu dầu mỏ, Iraq rõ ràng đang theo đuổi lợi ích riêng của mình, chứ không phải của người hàng xóm. Quy mô xuất khẩu dầu mỏ của Iraq vốn làm ổn định giá dầu mỏ đang gây khó chịu tới nước láng giềng đang trong tình trạng thiếu tiền mặt và tê liệt do các lệnh trừng phạt.

“Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của Iran về tình hình Syria, nhưng đó không phải là lợi ích chiến lược”, Giáo sĩ Naama Obaidi ở viện nghiên cứu Najaf giải thích. “Và chúng tôi tôn trọng rằng Iran, một nước đã chiến đấu một cuộc chiến lâu dài với chúng tôi, và đang đối mặt với nhiều mối đe dọa lớn, cần áp dụng nhiều nỗ lực tình báo tại đây”. Tuy nhiên trong khi Iraq mong muốn hòa hợp với Iran, Iraq sẽ không ngại ngần dốc lòng – nếu Iraq không bị áp lực bởi nỗi sợ của các nước láng giềng dòng Sunni.

Một trong những nước đó là Thổ Nhĩ Kỳ, một nước vốn thường coi chính phủ Iraq do người Shia nắm giữ như một công cụ đối với Iran. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã nhiều lần đụng độ với ông Maliki. Các quan chức Iraq cho rằng người hàng xóm của họ ở phương bắc, đang thực hiện mối quan hệ giao thương trị giá 17 tỷ USD với Iraq, đã kích động cả người Kurd và Sunni ngoan cố trong việc đối phó với Baghdad. Một quan chức phương Tây nói rằng sẽ là khó để phóng đại sự liều lĩnh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Maliki sẽ có thể sẽ vẫn tại vị hết nhiệm kỳ theo kế hoạch kết thúc vào tháng 4-2014. Điều đó không phải là tin tức tốt cho đất nước Iraq, nhưng cũng không hoàn toàn là tin xấu. Việc giữ vững quyền kiểm soát mọi thứ, khi lợi nhuận từ dầu mỏ vẫn tiếp tục tăng lên, và người dân bắt đầu được hưởng lợi từ đó, có thể là một tham vọng thực tế đối với một đất nước bị chia rẽ nội tại và bị các cuộc xung đột bủa vây.

Muwafaq al-Rubaie, một cựu chuyên gia an ninh quốc gia, nhấn mạnh rằng nhìn chung con đường phát triển của Iraq sẽ theo hướng tiến lên, không gồ ghề nhưng vẫn có thể hình dung được. Ông này nói: “Sự thỏa hiệp trong thế giới Ả-rập không phải là một từ hay, nhưng muốn đạt được điều đó trong thời gian sớm nhất là thứ mà chúng tôi cần phải học hỏi”.