Interpol Việt Nam và những cuộc truy lùng tội phạm xuyên quốc gia


Từ những vụ truy lùng tội phạm truy nã quốc tế...

Có một tình trạng xưa nay vẫn từng xảy ra, đó là nhiều tên tội phạm ở nước ngoài sau khi gây án, bị cảnh sát các nước truy nã gắt gao thường tìm cách bỏ trốn về Việt Nam để ẩn náu. Ngược lại nhiều đối tượng gây án ở Việt Nam lại tìm cách chạy trốn ra nước ngoài. Tất cả chúng đều có ý nghĩ, sự cách trở về khoảng cách địa lý sẽ khiến việc truy bắt chúng khó khăn hơn, thậm chí cảnh sát phải bất lực mà buông lơi.

Đúng vậy, khoảng hơn mười năm về trước, khi chưa có lực lượng Interpol Việt Nam thì việc truy bắt các đối tượng gây án bỏ trốn xuyên quốc gia kiểu này còn khó hơn là tìm kim đáy bể. Nhưng từ tháng 11-1991, với buổi lễ kết nạp trang trọng trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 61 Đại hội đồng Interpol tổ chức tại Uruguay, lực lượng Cảnh sát Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thì tình hình đã khác.

Khi Interpol Việt Nam vào cuộc với sự phối hợp hiệu quả của 182 nước thành viên trong Interpol thì dường như bọn tội phạm xuyên quốc gia đã khó còn đất để dung thân. Theo đánh giá của Văn phòng Interpol Việt Nam thì sự phối hợp của cảnh sát nước ta với cảnh sát các nước thành viên của Interpol trong những năm qua là rất chặt chẽ và có hiệu quả. Nhìn chung, các yêu cầu phối hợp truy nã song phương của cảnh sát nước ta đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của cảnh sát các nước. Các đối tượng do Cảnh sát Việt Nam thông báo truy nã đều được cảnh sát các nước tiến hành rà soát và tổ chức truy tìm.

Trong sáu tháng đầu năm 2004, Interpol Việt Nam đã phối hợp cảnh sát các nước bắt giữ 5 đối tượng gây án ở Việt Nam rồi bỏ trốn ra nước ngoài và truy tìm 8 đối tượng phạm tội ở nước ngoài rồi trốn vào Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là vụ một đối tượng phạm tội lừa đảo bị Cảnh sát Đài Loan truy nã sau đó vào Việt Nam dưới vỏ bọc một doanh nhân. Đối tượng này đã bị Interpol Việt Nam phát hiện nhờ sự trao đổi thông tin giữa cảnh sát các nước.

Qua công tác rà soát đối tượng truy nã quốc tế trong hệ thống quản lý Interpol Việt Nam đã phát hiện đối tượng Grear Stephen, quốc tịch Mỹ, phạm tội trốn thuế và lạm dụng tình dục trẻ em bị Cảnh sát Mỹ truy nã. Interpol Việt Nam đã phối hợp các lực lượng nghiệp vụ khác bắt giữ đối tượng này tại TP Hồ Chí Minh và ngày 4-8 vừa qua đã trao trả y cho Cảnh sát Mỹ. Trước đó cũng qua công tác trao đổi thông tin giữa Interpol Việt Nam và các nước thành viên của Interpol, Công an Việt Nam đã bắt giữ đối tượng truy nã Vann Le phạm tội cướp có sử dụng vũ khí theo yêu cầu của FBI Mỹ.

Làm thủ tục bàn giao Grear Stephen (áo phông trắng)
cho đại diện Cảnh sát Hoa Kỳ.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, vụ phát hiện và bắt giữ tên tội phạm gốc Việt có lệnh truy nã đỏ của Cảnh sát Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đã làm nức lòng dư luận và được đánh giá là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Interpol Việt Nam và Công an TP Hồ Chí Minh. Bùi Hữu Tài, một sát thủ của bang California đã bị bắt giữ trên đường Hàm Nghi trong sự ngỡ ngàng của chính y và tận lúc bị tra tay vào còng y vẫn không sao hiểu nổi Cảnh sát Việt Nam làm thế nào mà lần ra được hành tung phạm tội của y ở mãi tận nước Mỹ xa xôi, cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Sinh ra tại một tỉnh miền Nam, mới 10 tuổi Bùi Hữu Tài đã theo gia đình vượt biên trái phép sang Mỹ cư ngụ. Cuộc sống nhốn nháo nơi xứ người cộng với bản tính liều lĩnh, manh động đã khiến Bùi Hữu Tài trở thành tên tội phạm khét tiếng. Y cầm đầu một băng xã hội đen gồm một số tên gốc Việt liên kết với bọn tội phạm người Mỹ tiến hành hàng loạt các hoạt động phạm tội từ trộm cắp xe ô-tô, sử dụng ma túy đến gây rối trật tự công cộng...

Trong suốt một thời gian dài, hoạt động của Tài và đồng bọn đã làm đau đầu cảnh sát không chỉ bang California mà hầu hết các bang trên đất Mỹ. Năm 1997, vì các hoạt động tội phạm, Tài bị Tòa án Mỹ kết án tù nhưng hắn đã tìm đường đào thoát sang Australia. Tại đây, Tài vẫn không thôi từ bỏ các hoạt động tội phạm. Y tiếp tục lập ra một băng tội phạm mới chuyên buôn bán ma túy ở đây. Tuy nhiên, hoạt động phi pháp của Tài và đồng bọn đã bị một người phụ nữ gốc Việt tên là Mai vô tình biết được. Lo sợ bị bại lộ, Tài đã tổ chức cho đồng bọn bắt cóc Tuấn Anh (con trai bà Mai) để dằn mặt bà và đòi 400.000 USD tiền chuộc. Gia đình bà Mai mới chỉ lo được 20.000 USD để gửi cho chúng thì chúng đã thủ tiêu Tuấn Anh. Cảnh sát Australia đã tìm thấy xác của Tuấn Anh ở trong một cống thoát nước lớn, trên thi thể có nhiều vết đạn. Ngay sau đó, Cảnh sát Mỹ và Cảnh sát Australia đã phát lệnh truy nã đỏ đối với Bùi Hữu Tài đi khắp thế giới. Nhưng lúc này, với cái tên giả là Vũ Mạnh Cường, Bùi Hữu Tài đã nhập cảnh vào Việt Nam. Tinh ranh và xảo quyệt, ngay sau khi vào Việt Nam, y đã "sắm" một cô bồ người Việt để làm boong ke ẩn náu an toàn cho y và gia nhập vào một đường dây buôn bán ma túy để lấy tiền hút hít và sinh sống.

Sau khi tiếp nhận được thông tin trao đổi của Cảnh sát Mỹ và Australia về trường hợp của Bùi Hữu Tài, Interpol Việt Nam đã phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh truy lùng y ráo riết. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một thời gian ngắn cảnh sát Việt Nam đã tóm cổ được Bùi Hữu Tài. Khi bị bắt Tài tỏ vẻ ngỡ ngàng vì không ngờ Cảnh sát Việt Nam lại có thể truy lùng được hắn bởi trong con mắt hắn, Cảnh sát Mỹ cao thủ là thế mà hắn còn đào thoát được.

... Đến những vụ bắt giữ tội phạm xuyên quốc gia công nghệ cao

Những năm gần đây, khi khoa học công nghệ phát triển thì tội phạm công nghệ cao cũng đồng thời xuất hiện. Việc làm thẻ tín dụng với công nghệ cao và thủ đoạn hết sức tinh vi đã xuất hiện và tồn tại ở nhiều nước. Khi việc giao dịch bằng thẻ tín dụng và số các máy rút tiền tự động tăng mạnh ở Việt Nam thì đây cũng là điểm nóng của các hoạt động rút tiền bằng thẻ tín dụng giả. Hàng loạt các đối tượng lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả khi bị bắt giữ đã ngỡ ngàng bởi sự tài giỏi của Cảnh sát Việt Nam.

Chiều 5-5-2004, một cặp vợ chồng người Malaysia đã bị bắt giữ khi chúng dùng hộ chiếu giả và thẻ tín dụng giả để mua rất nhiều món đồ trang sức đắt tiền trị giá hơn 20.000 USD ở nhiều cửa hàng trên phố Cầu Gỗ, Ngô Quyền và Trung tâm Thương mại Hà Nội. Trước đó tại TP Hồ Chí Minh, tên Nguyễn Công Hiền, Việt kiều Mỹ, cũng đã bị bắt giữ khi y dùng hộ chiếu giả và thẻ tín dụng giả để rút tiền và mua hàng trị giá gần 50.000 USD tại nhiều cửa hàng và quầy thu đổi ngoại tệ ở TP này.

Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, Interpol Việt Nam đã tích cực phối hợp cảnh sát các nước như Malaysia, Indonesia, Đài Loan... xác minh làm rõ lai lịch của hàng chục đối tượng là người nước ngoài phạm tội lừa đảo, sử dụng giấy tờ giả, thẻ tín dụng giả... để chiếm đoạt tài sản ở Việt Nam. Kết quả trên đã phục vụ tốt công tác điều tra ở trong nước của các đơn vị nghiệp vụ. Cũng trong thời gian qua xuất hiện tình trạng một số công ty nước ngoài lạm dụng tín nhiệm lừa đảo các đối tác Việt Nam. Thủ đoạn lừa đảo chủ yếu là thông qua các hợp đồng mua bán, yêu cầu thanh toán trước một lượng tiền nhất định sau đó chiếm đoạt số tiền này. Do mất cảnh giác, lại không nắm vững các quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng ngoại thương, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị mắc bẫy lừa của các đối tác nước ngoài. Interpol Việt Nam với kênh trao đổi thông tin với cảnh sát các nước đã tiến hành xác minh về sự tồn tại và pháp nhân của rất nhiều công ty nước ngoài là đối tác của nhiều doanh nghiệp trong nước để tránh cho các doanh nghiệp khỏi bị rơi vào bẫy lừa đảo.

Những năm trước, khi kinh tế nước ta bắt đầu thời kỳ mở cửa và hội nhập, lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp trong nước, bọn tội phạm quốc tế đã sử dụng nhiều chiêu thức hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, những âm mưu này đã bị Interpol Việt Nam phối hợp các đơn vị trong nước phát hiện và kịp thời ngăn chặn.

Còn nhớ vào những năm 1997-1998, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được thư mời  cho vay tiền từ một số cơ sở tài chính ở Nigieria, Thụy Sĩ... Điều kiện mà các thư mời này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nghe ra có vẻ rất đơn giản và ngon ăn. Đó là, chỉ cần cung cấp một hợp đồng khống và một L/C ký chờ tên, địa chỉ, số điện thoại là phía doanh nghiệp Việt Nam sẽ vừa được cho vay tiền lại vừa được chi lại 30% hoa hồng. Nhưng theo kết quả xác minh của Interpol Việt Nam thì đây chỉ là một thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm ở Nigieria. Hằng năm, chúng đã gửi hàng nghìn thư mời kiểu này tới nhiều công ty ở nhiều quốc gia và phương thức lừa đảo này đã được chúng thực hiện trót lọt ở nhiều nước.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, khi hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp thì vai trò của lực lượng Interpol Việt Nam càng trở nên quan trọng và trách nhiệm của Cảnh sát Việt Nam sẽ càng nặng nề. Họ đang nỗ lực quyết tâm giành được nhiều chiến công hơn nữa để tiến tới kỷ niệm 15 năm ngày Cảnh sát Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol.