Huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế

NDO -

Về tạo nguồn lực cho các gói tài khóa, tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ huy động nguồn lực linh hoạt nhất, rẻ nhất, bền vững nhất để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 4/1. (Ảnh: Duy Linh)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV ngày 4/1. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ ngày 4/1 về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá 2021 là năm vô cùng khó khăn, chưa có tiền lệ, tuy nhiên thu ngân sách đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán. Trong đó thu thuế và phí nội địa (trừ tiền sử dụng đất, xổ số) tăng 14,5%, cao hơn so với năm 2020 là 11,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Bộ trưởng cho biết, năm 2021 thị trường chứng khoán có sức bật tốt, là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%; giá trị giao dịch cổ phiếu tăng đột phá, tăng 2,6 lần so với năm 2020, bình quân mỗi phiên là 26,6 nghìn tỷ đồng.

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ siết chặt điều kiện phát hành, bịt lỗ hổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu để tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư.

Thời gian tới, để vực dậy kinh tế cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, theo đó cần kích cầu nền kinh tế. Chính phủ trình Quốc hội gói chính sách tài khóa có quy mô 291 nghìn tỷ đồng, gồm tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí là 64 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm ngoái. Ngoài ra, chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là 6,6 nghìn tỷ đồng, chi hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022…

Về tạo nguồn lực cho các gói tài khóa, tiền tệ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ huy động nguồn lực linh hoạt nhất, rẻ nhất, bền vững nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội làm thế nào để gói kích cầu này giải quyết nút thắt để phát triển nhanh chóng, giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư, như chỉ định thầu giảm 5%...

Tăng cường thanh tra, giám sát để chống thất thoát, lãng phí

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khá bao trùm, đúng trọng tâm, phù hợp bối cảnh điều kiện tình hình đất nước, thế giới và dịch bệnh hiện nay.

Huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế -0
 Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: Đăng Khoa)

Gói hỗ trợ tập trung chính vào đầu tư công, tức là các nguồn lực vừa tung ra giải quyết vấn đề kích cầu cho các lĩnh vực thông qua đầu tư công, đồng thời tạo ra nền tảng cho tăng trưởng bền vững, lâu dài thời gian tới. “Hệ thống hạ tầng của đất nước hiện đang trong quá trình xây dựng, kiến thiết, nếu được đẩy nhanh sẽ tạo ra tiền đề cho tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, đại biểu Lâm nhận định.

Đại biểu cho rằng, đến thời điểm này, việc xây dựng, thiết kế chương trình tương đối phù hợp, an tâm, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện. Nếu thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra một xung lực rất lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về một số yếu tố, bao gồm cân đối vĩ mô như nợ công, nợ chính phủ, nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt là yếu tố lạm phát; đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản; thất thoát, lãng phí, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, nợ xấu là vấn đề hiện hữu. Các ngân hàng thương mại đang cơ cấu lại nợ, trong đó nhiều khoản đã là nợ xấu, nếu không cẩn thận tháo gỡ sẽ trở lại thành “cục máu đông” gây ách tắc lưu thông nền kinh tế. Theo đó, bộ phận chính sách tín dụng và quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi và đề xuất giải pháp kịp thời để xử lý nợ xấu, mà theo các chuyên gia đánh giá hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.

Đại biểu Lâm đề nghị trong quá trình thực hiện chương trình, Chính phủ tuân theo đúng nguyên tắc đã đề ra, đó là linh hoạt bố trí nguồn lực hiệu quả nhất, tăng hệ số an toàn các chỉ số về nợ công, bảo đảm kiểm soát lạm phát. Đồng thời, có các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả các dự án, chống thất thoát, lãng phí.

Xem xét tính cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá cao sự sát sao và chủ động của Chính phủ, trong thời gian ngắn đã đánh giá kỹ lưỡng tình hình trong nước và kinh nghiệm quốc tế để có đề xuất tương đối phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế -0
 Quang cảnh phiên họp thảo luận tại tổ 9. (Ảnh: Duy Linh)

Cơ bản nhất trí với tổng quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ, đại biểu cho rằng cần xem xét lại tính cân đối giữa gói tài khóa và tiền tệ, khi mà Chính phủ đề xuất quy mô gói tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng, song gói tiền tệ lại chưa được lượng hóa.

“Khi đánh giá cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chúng ta không đặt ra sự cân bằng, tuy nhiên chính sách tiền tệ trong đề án này chưa thực sự đúng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, khi chúng ta bỏ ra một lượng rất lớn về tài khóa, nhưng đánh giá liên quan chính sách tiền tệ chưa có số lượng cụ thể. Mặc dù ko cần thiết phải cân đối, nhưng vai trò của chính sách tiền tệ cần phải tăng cường hơn”, đại biểu An cho hay.

Đại biểu cũng đề cập đến tính cân đối ngay trong gói chính sách tài khóa, cho rằng việc sử dụng 103 nghìn tỷ đồng trong tổng số 240 nghìn tỷ đồng chi từ ngân sách nhà nước để đầu tư vào hạ tầng giao thông dường như là quá lớn, và cần cân nhắc kỹ.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV